Hoàn thiện Giáo trình quản lý ngân sách nhà nước

(BKTO) - Chiều 22/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh chủ trì cuộc họp thẩm định Giáo trình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

pho-tong-kiem-toan-nha-nuoc-nguyen-tuan-anh-chu-tich-hoi-dong-tham-dinh-phat-bieu-ket-luan-cuoc-hop.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao nội dung của Giáo trình. Ảnh: Nguyễn Ly

Tham dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng thẩm định và Ban Biên soạn Giáo trình.

Giáo trình Quản lý NSNN thuộc chương trình bồi dưỡng ngạch kiểm toán viên và các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ quản lý NSNN.

Tài liệu này sẽ trang bị cho người học kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý NSNN; vai trò của KTNN đối với công tác quản lý NSNN; vận dụng những kiến thức lý luận và nghiệp vụ vào giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong quản lý NSNN cũng như thực tiễn hoạt động kiểm toán NSNN.

quang-canh-cuoc-hop-tham-dinh-giao-trinh-quan-ly-nsnn.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Giáo trình gồm 5 Chương: Tổng quan về quản lý NSNN; Lập và quyết định dự toán NSNN; Chấp hành NSNN; Kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; Đánh giá quản lý NSNN.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá Giáo trình quản lý NSNN đã cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức đối với NSNN, phù hợp với mục tiêu chương trình đào tạo các đối tượng là Kiểm toán viên nhà nước tham gia chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên và các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn về quản lý NSNN. Trên cơ sở đó vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán NSNN.

Kết cấu của Giáo trình đã bám sát Đề cương được duyệt tại Quyết định số 570/QĐ-KTNN ngày 18/4/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước; đảm bảo tính khoa học trong kết cấu, cân đối giữa các chương, phù hợp với chu trình quản lý ngân sách.

gs.-ts-doan-xuan-tien-thay-mat-ban-bien-soan-trinh-bay-noi-dung-cua-giao-trinh-quan-ly-nsnn.jpg
GS.TS. Đoàn Xuân Tiên thay mặt Ban Biên soạn trình bày nội dung của Giáo trình quản lý NSNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Hội đồng thẩm định đề xuất Ban Biên soạn rà soát, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật NSNN; Nguyên tắc phân cấp quản lý NSNN để làm nổi bật lên vai trò chủ đạo của NSNN; Những sai sót cơ bản trong công tác chấp hành NSNN phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, như: chi đầu tư xây dựng cơ bản, cơ chế tự chủ tài chính, chi chuyển nguồn sai quy định, sử dụng các quỹ ngoài ngân sách…

cac-thanh-vien-hoi-dong-tham-dinh-goi-mo-mot-so-noi-dung-de-ban-bien-soan-hoan-thien-giao-trinh.jpg
Các thành viên Hội đồng thẩm định gợi mở một số nội dung để Ban biên soạn hoàn thiện Giáo trình. Ảnh: Nguyễn Ly

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao nội dung, tính khoa học, logic của Giáo trình. Đây là tài liệu phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên và rất cần thiết đối với KTNN hiện nay. Trên cơ sở các ý kiến của Hội đồng thẩm định, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu, nghiên cứu và hoàn thiện Giáo trình.

Hội đồng thẩm định đánh giá Giáo trình quản lý NSNN đạt yêu cầu, hoàn thiện trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, ban hành.

Cùng ngày, KTNN đã tổ chức thẩm định và thông qua Tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng của KTNN.

Cùng chuyên mục
Hoàn thiện Giáo trình quản lý ngân sách nhà nước