Triển khai thực hiện tốt các cuộc kiểm toán
Năm 2023, KTNN khu vực VI được giao thực hiện kiểm toán BCQT ngân sách địa phương tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, trong đó: Thực hiện 03 cuộc kiểm toán BCQT ngân sách địa phương niên độ ngân sách 2022 tại tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương vào tháng 10/2023 và thực hiện lồng ghép 02 cuộc kiểm toán ngân sách địa phương và BCQT ngân sách địa phương tại TP. Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên.
Việc triển khai thực hiện các nội dung kiểm toán BCQT ngân sách địa phương được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 682/QĐ-KTNN ngày 11/5/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Hướng dẫn kiểm toán BCQT ngân sách địa phương.
Trong đó, đơn vị đã chú trọng triển khai thực hiện từ khâu thu thập tài liệu tại các cơ quan điều hành quản lý tổng hợp cấp tỉnh: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục thuế, Kho bạc Nhà nước và thu thập tài liệu phục vụ công tác kiểm toán tổng hợp từ các cấp cơ sở kết hợp với các phương pháp và thủ tục kiểm toán tổng hợp phù hợp với các quy trình, hướng dẫn kiểm toán.
Kết quả kiểm toán BCQT tại 05 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang đã cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho HĐND, UBND các địa phương đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý, điều hành, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật KTNN.
Trong quá trình kiểm toán, đoàn kiểm toán gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Tính phức tạp, rủi ro trong kiểm toán BCQT phụ thuộc nhiều vào quy mô của BCQT, được tổng hợp từ nhiều BCQT của các đơn vị cấp dưới (các cấp tỉnh, huyện, xã). Thời gian bố trí kiểm toán BCQT ngân sách địa phương còn ngắn ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác kiểm toán rà soát đối chiếu số liệu quyết toán ngân sách địa phương…
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, dự báo trước khó khăn nên các đoàn kiểm toán đã chủ động nắm bắt và giải quyết vấn đề theo đúng quy định, hướng dẫn của Ngành, phù hợp với đặc thù từng đơn vị, địa phương.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán
Từ kinh nghiệm triển khai kiểm toán và rút ra bài học kinh nghiệm, KTNN khu vực VI nêu cao quyết tâm sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa trong hoạt động kiểm toán; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán BCQT ngân sách địa phương trong thời gian tới.
Theo đó, các đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và kiểm toán viên cần nâng cao chất lượng công tác khảo sát thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán, vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp kiểm toán tổng hợp, phân tích đánh giá rủi ro và xác định các nội dung trọng tâm trong kiểm toán BCQT ngân sách địa phương.
Trong tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán, cần bố trí nhân sự (ưu tiên bố trí nhân sự tổ kiểm toán tổng hợp) là những kiểm toán viên có kinh nghiệm kiểm toán tổng hợp. Bố trí thời gian kiểm toán BCQT ngân sách địa phương từ 30 ngày lên 45 ngày để đảm bảo kết quả kiểm toán đạt chất lượng, hiệu quả theo mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng thời, đảm bảo thời gian phát hành báo cáo kiểm toán trước kỳ họp HĐND phê chuẩn quyết toán (cố gắng phát hành trước ngày 10/12).
Đối với các địa phương không thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương, chỉ kiểm toán BCQT ngân sách địa phương nên ghép thành 01 đoàn kiểm toán, mỗi địa phương thành lập 01 tổ kiểm toán sẽ phù hợp và thuận tiện trong xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán.
Vụ Tổng hợp cần nghiên cứu hướng dẫn điều chỉnh các nội dung kiến nghị nộp trả ngân sách Trung ương đối với các khoản kinh phí chưa sử dụng hết (tại ngân sách cấp huyện, xã), để đảm bảo phù hợp với thực tiễn điều hành ngân sách của các cấp chính quyền địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
Các Vụ tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động kiểm toán BCQT ngân sách địa phương theo Hướng dẫn kiểm toán BCQT ngân sách địa phương ban hành ngày 11/5/2022.
Đặc biệt, xác định chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đến kết quả của cuộc kiểm toán, nhất là đối với các cuộc kiểm toán có tính tổng hợp cao như kiểm toán BCQT, KTNN cần tiếp tục chú trọng tăng cường đào tạo công chức, kiểm toán viên về phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; tăng cường kỹ năng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán cho kiểm toán viên./.