Chấn chỉnh công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp

(BKTO) - Qua kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2017-2021 của TP. Hải Phòng, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT), tài nguyên nước. Đồng thời, chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

sua_4.jpg
KTNN kiến nghị UBND TP. Hải Phòng nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, cơ chế, chính sách về quản lý, BVMT, tài nguyên nước. Ảnh: TL

Kiểm soát ngành nghề tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường ngay từ ban đầu

Theo đánh giá của KTNN, trong giai đoạn 2017-2021, nhìn chung công tác quản lý, BVMT đối với các KCN, KKT trên địa bàn TP. Hải Phòng đã từng bước được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. UBND Thành phố đã ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch… về BVMT, tài nguyên nước; trong đó phải kể đến các chủ trương, định hướng, quy định cụ thể về danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện hoặc không chấp thuận đầu tư trên địa bàn, góp phần kiểm soát các ngành nghề tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường ngay từ ban đầu.

Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xác nhận kế hoạch BVMT… đã được UBND Thành phố phân cấp, ủy quyền nhằm thực hiện cơ chế một cửa liên thông, đồng bộ với công tác quản lý, cấp phép trong các lĩnh vực quản lý đầu tư, giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ đã phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định về BVMT…

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán chỉ ra, UBND TP. Hải Phòng ban hành Quyết định số 3471/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 về việc ủy quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện trong KCN trên địa bàn TP. Hải Phòng chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ theo quy định. Tại thời điểm kiểm toán, một số nội dung trong các Quyết định của UBND TP. Hải Phòng và của Ban Quản lý KKT liên quan đến việc ủy quyền thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM, cấp giấy phép môi trường, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý KKT về quản lý môi trường… không còn phù hợp với Nghị định của Chính phủ và Luật BVMT hoặc căn cứ trên các văn bản đã hết hiệu lực.

Theo kết quả rà soát, giai đoạn 2017-2021 có 129/135 cơ sở được Ban Quản lý KKT kiểm tra phát hiện tồn tại, hạn chế (chiếm 95,6%); 71/79 cơ sở được Sở TNMT kiểm tra có tồn tại, vi phạm (chiếm 90%). Đến thời điểm kiểm toán, có 1 trường hợp bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, một số văn bản, quy định về tài nguyên nước (trong đó bao gồm các nguồn nước tiếp nhận nước thải từ các KKT, KCN) thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh theo Luật Tài nguyên nước và các văn bản liên quan chưa được ban hành như: Quy định về phân vùng chức năng, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước nội tỉnh theo Luật Tài nguyên nước; danh mục nguồn nước nội tỉnh…

KTNN cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác thẩm định ĐTM, cấp giấy phép xả thải do các hồ sơ chưa được rà soát kỹ lưỡng, chưa kịp thời yêu cầu chủ dự án hoàn thiện, khắc phục, bổ sung các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Điều này có thể dẫn đến khi thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường, một số nội dung đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước khi cấp giấy phép xả thải hoặc việc đánh giá tác động môi trường, hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi chưa bảo đảm đầy đủ theo quy định.

Tỷ lệ cơ sở vi phạm còn cao, chưa được xử lý nghiêm

Trong giai đoạn 2017-2021, Sở TNMT đã thực hiện kiểm tra chấp hành quy định về BVMT đối với 79/123 cơ sở, đạt 64,2% kế hoạch đề ra; thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định về tài nguyên nước đối với 1 cơ sở. Ban Quản lý KKT đã thực hiện kiểm tra, giám sát đối với 135/199 cơ sở, đạt 67,8% kế hoạch đề ra. Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý đã phát hiện, chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, qua đó chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở khắc phục, thực hiện công tác BVMT theo quy định.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, công tác lập, phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở TNMT, Ban Quản lý KKT còn trùng lặp (12 cơ sở); tỷ lệ các cơ sở phải điều chỉnh, đưa ra khỏi kế hoạch không thực hiện thanh tra, kiểm tra còn cao. Trong đó, Sở TNMT có 44/123 cơ sở chưa kiểm tra, chiếm 35,8% và 13/13 cơ sở chưa thực hiện thanh tra theo kế hoạch đề ra. Ban Quản lý KKT có 64/199 cơ sở chưa kiểm tra theo kế hoạch đề ra, chiếm 32,2%; thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của lãnh đạo Ban Quản lý KKT đối với một số cơ sở không nằm trong Quyết định ban đầu xong chưa thực hiện các thủ tục theo quy định.

Qua rà soát cho thấy, tỷ lệ các cơ sở, dự án có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, BVMT còn ở mức cao. Các đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra, xác định các tồn tại, hạn chế, yêu cầu cơ sở khắc phục song chưa lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Đáng chú ý, công tác xử lý vi phạm và việc theo dõi tình hình thực hiện kết luận kiểm tra còn hạn chế. Cụ thể như Ban Quản lý KKT chưa báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm hành chính về BVMT. Qua rà soát cho thấy, một số cơ sở chưa gửi báo cáo khắc phục về hồ sơ BVMT, chưa có bằng chứng khắc phục, chưa khắc phục hoặc khắc phục chưa đầy đủ các tồn tại qua kiểm tra. Sở TNMT, Chi cục BVMT chưa phối hợp để rà soát, củng cố hồ sơ và tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các trường hợp vi phạm…

Các tồn tại, hạn chế, vi phạm chưa được xử lý nghiêm khắc đã làm giảm tính răn đe, tính hiệu lực của các văn bản, quy định pháp luật, dẫn đến một số trường hợp chưa tuân thủ nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm tra; chưa khắc phục đầy đủ tồn tại, hạn chế hoặc còn tái phạm qua các năm - KTNN đánh giá.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, UBND TP. Hải Phòng chưa xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước theo yêu cầu, chưa có cơ sở để các đơn vị được cấp phép xả thải, khai thác tài nguyên nước cập nhật số liệu, chưa truyền được số liệu về Bộ TNMT phục vụ công tác giám sát; chưa có hệ thống quan trắc tự động, liên tục để giám sát môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, các điểm quan trắc môi trường trong KKT, KCN còn ít, chủ yếu các vị trí quan trắc ngoài KKT, KCN; việc lựa chọn các thông số quan trắc môi trường nước mặt từng năm đối với KKT, KCN chưa đầy đủ thông số theo quy định… Những tồn tại trên dẫn đến các số liệu quan trắc chưa liên tục, chưa đảm bảo dữ liệu phản ánh tình trạng môi trường thường xuyên, đầy đủ phục vụ công tác giám sát, phòng ngừa, ứng phó sự cố, nhất là tại các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về môi trường./.

Cùng chuyên mục
  • Khẳng định vai trò đơn vị tư vấn, thiết kế các dự án giao thông trọng điểm
    3 tháng trước Kiểm toán
    (BKTO) - Đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, chú trọng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời luôn tiếp thu, rút kinh nghiệm qua việc thực hiện tốt các kiến nghị, ý kiến tư vấn của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước… Đây chính là “bí quyết” để Tổng công ty Tư vấn, thiết kế giao thông vận tải (TEDI) khẳng định uy tín, lan tỏa thương hiệu trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế các dự án giao thông trọng điểm. Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc TEDI - xung quanh vấn đề này.
  • Kỳ vọng đối với cơ quan Kiểm toán nhà nước
    3 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nếu các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) có những kiến thức, kỹ năng tốt, am hiểu sâu hơn thì việc đưa ra những quyết định, quyết sách ở địa phương sẽ hiệu quả hơn, góp phần làm lành mạnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công ở địa phương, cũng như trên cả nước - bà Nguyễn Thị Cẩm Phương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình chia sẻ.
  • Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý hơn 29 tỷ đồng sau kiểm toán
    3 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Cùng với yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và các đơn vị điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Bộ phải xử lý tài chính 25,808 tỷ đồng (gồm: Tăng thu ngân sách hơn 20,755 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 5,052 tỷ đồng) và kiến nghị khác hơn 3,298 tỷ đồng.
  • Chi đoàn Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia: Phát huy tinh thần xung kích thi đua học tập sáng tạo
    3 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Đại hội Chi đoàn Thanh niên KTNN chuyên ngành Ia nhiệm kỳ 2024-2027 đã thành công tốt đẹp.
  • Đảm bảo thực thi nguyên tắc độc lập đầy đủ, thực chất trong hoạt động kiểm toán
    3 tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Dù thế giới có nhiều cách gọi và sự khác biệt trong tổ chức Kiểm toán nhà nước (KTNN), song đều có điểm chung là địa vị pháp lý được ghi nhận ở cấp cao và đảm bảo tính độc lập trong hoạt động. Tại Việt Nam, việc đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập một cách đầy đủ, thực chất là vấn đề tiếp tục được đặt ra, gắn với vấn đề sửa đổi, hoàn thiện khung khổ pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Chấn chỉnh công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp