Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý hơn 29 tỷ đồng sau kiểm toán

(BKTO) - Cùng với yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và các đơn vị điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Bộ phải xử lý tài chính 25,808 tỷ đồng (gồm: Tăng thu ngân sách hơn 20,755 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 5,052 tỷ đồng) và kiến nghị khác hơn 3,298 tỷ đồng.

7.jpg
Hàng loạt những thiếu sót đã được KTNN chỉ ra trong việc lập, phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên năm 2021 của Bộ TNMT. Ảnh minh họa

Xác nhận số chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển

Đặc biệt, KTNN yêu cầu Bộ TNMT chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong việc lập, phân bổ kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển; thực hiện đúng lộ trình lựa chọn nhà thầu qua mạng; khắc phục thiếu sót trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế dự toán; chậm phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; thiếu kiểm tra giám sát năng lực của chủ đầu tư; chậm tiến độ của một số dự án…

Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lập, giao, phân bổ dự toán, sử dụng ngân sách chi thường xuyên; chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ công nợ, tạm ứng; mua sắm tài sản không có trong danh mục được phê duyệt; chưa thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ theo quy định. Bộ cũng cần xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm, xem xét tính khả thi, tiến độ thực hiện các dự án, phù hợp với nguồn lực.

Bộ TNMT đã phân bổ dự toán để thực hiện các hợp đồng đặt hàng cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước nhưng không ban hành Quyết định giao nhiệm vụ và ký hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho Trung tâm mà dựa trên Kế hoạch, Hợp đồng do Trung tâm ký với các đơn vị trực thuộc.

Những kết luận trên được KTNN đưa ra trên cơ sở tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2021 của Bộ TNMT. Dù rằng, đến thời điểm kiểm toán, Bộ TNMT chưa lập xong Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán năm 2021 nên KTNN phải căn cứ vào thông tin, số liệu báo cáo tổng hợp sơ bộ của Bộ TNMT đến ngày 13/5/2022.

Năm 2021, Bộ TNMT được giao kinh phí 3.697,178 tỷ đồng, gồm: Chi thường xuyên 2.668,478 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 1.028,7 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN xác nhận, kinh phí tổng hợp quyết toán sơ bộ là 3.269,046 tỷ đồng, gồm: Chi thường xuyên 2.269,513 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 999,533 tỷ đồng. Bộ TNMT đã thực hiện lập, phân bổ dự toán năm 2021 cơ bản gắn với mục tiêu, nhiệm vụ tinh giản biên chế; phù hợp với tiến độ và lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Liên quan đến các khoản chi đầu tư phát triển, Bộ TNMT đã tuân thủ các quy định về trình tự lập, thời gian lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2021, nhu cầu kế hoạch vốn là 1.459,361 tỷ đồng, được giao là 1.028,7 tỷ đồng và đã phân bổ đạt 100% số vốn được giao.

Bộ đã thực hiện thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành 12 dự án với tổng giá trị quyết toán được duyệt là 941 triệu đồng; 3 dự án chậm thời gian quyết toán theo quy định với giá trị 1,23 tỷ đồng; 5 dự án đã hoàn thành, lập báo cáo quyết toán chậm so với quy định, số tiền 612,8 triệu đồng. Kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 là 999,533 tỷ đồng/1.312,179 tỷ đồng, đạt 75,59%.

Về chi thường xuyên, tổng dự toán chi thường xuyên của Bộ TNMT năm 2021 được Bộ Tài chính giao là 2.634,839 tỷ đồng; số thực hiện 2.232,107 tỷ đồng, đạt 84,7% so với dự toán.

Kiểm toán nhà nước phát hiện hàng loạt thiếu sót

Tuy nhiên, hàng loạt những thiếu sót được KTNN chỉ ra trong việc lập, phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên năm 2021. Bộ TNMT đã không lập kế hoạch thu, chi hoạt động sự nghiệp; chưa xây dựng phương án sử dụng nguồn thu phí; lập dự toán chưa sát với thực tế, lập dự toán nhiệm vụ mở mới khi chưa có quyết định phê duyệt; lập và điều chỉnh dự toán chậm... Trong phân bổ dự toán, nhiều khoản chưa chuẩn theo phương án tự chủ được phê duyệt; nhiều khoản phân bổ chưa phù hợp quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính; vẫn giao dự toán bao gồm tiền ăn định lượng, tiền nước sinh hoạt khi văn bản quy định chế độ đã hết hiệu lực… dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cụ thể, đối với chi đầu tư phát triển, Bộ phân bổ kế hoạch vốn chưa phù hợp, chưa theo thứ tự ưu tiên. 3 dự án chuyển tiếp sang năm 2021 nhưng đã hết thời gian thực hiện, chưa được gia hạn và mới bố trí được 33% kế hoạch vốn. Nguyên nhân do Bộ thực hiện phân bổ vốn theo tiến độ thực hiện dự án, nhưng không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc dẫn đến 3 dự án chậm tiến độ. Việc phân bổ vốn cho một số dự án chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh hai lần cho 4 dự án.

Việc xây dựng đơn giá, định mức của Bộ TNMT còn chậm, chưa đầy đủ. Năm 2021, Bộ ban hành 2 định mức (2/13) đạt 15% kế hoạch. Một số định mức được KTNN kiến nghị sửa đổi từ năm 2018 nhưng đến giữa năm 2022 vẫn chưa thực hiện; chưa rà soát các bộ đơn giá lĩnh vực TNMT để loại bỏ một số định mức theo quy định.

Liên quan đến chi thường xuyên, KTNN đánh giá, phân bổ dự toán của Bộ TNMT chậm; việc điều chỉnh dự toán cũng chậm so với quy định. Đáng chú ý, Bộ đã phân bổ dự toán lương 2,436 tỷ đồng chưa được Bộ Tài chính quy định; không phân bổ dự toán cho nhiệm vụ “Đề án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường”; chậm phân bổ kinh phí nhiệm vụ “Sửa chữa phòng tiếp dân”; phân bổ dự toán cho Viện Khoa học Tài nguyên nước cao hơn phương án tự chủ 101 triệu đồng… Ngoài ra, Bộ TNMT còn những thiếu sót trong phân bổ dự toán một số hạng mục công việc không có đơn giá, định mức vào nguồn thường xuyên.

Cùng với đó, Bộ TNMT còn phân bổ dự toán cho nhiệm vụ mở mới trong năm chưa phù hợp; phân bổ thiếu so với dự toán phân kỳ được phê duyệt; chưa ưu tiên phân bổ dự toán cho một số nhiệm vụ chuyển tiếp dẫn đến phải gia hạn kéo dài thời gian thực hiện. Tương tự, Bộ đã thực hiện phân bổ dự toán mua sắm, sửa chữa lớn tài sản chưa bám sát kế hoạch năm 2021; giao bổ sung, điều chỉnh, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu chậm; phân bổ dự toán bao gồm cả khấu hao không đúng quy định số tiền 326,9 triệu đồng...

Thiếu chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kinh phí

Đánh giá về việc quản lý, sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển, KTNN nêu rõ, có 14 chủ đầu tư chưa báo cáo đúng thời gian, nội dung báo cáo sơ sài, chưa thể hiện tiến độ thực hiện dự án, chất lượng công việc, khối lượng thực hiện, chưa nêu những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ.

Liên quan đến công tác tổ chức đấu thầu, KTNN chỉ rõ, năm 2021, Bộ TNMT tổ chức đấu thầu qua mạng 25/44 gói thầu, đạt 56,82% với giá trị 249 tỷ đồng/1.339 tỷ đồng và đạt 18,63% (chưa đảm bảo 100% với các gói thầu đấu thầu rộng rãi; 35% giá trị gói thầu) theo quy định. Thời gian lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cũng chậm, trong đó có nguyên nhân chậm thẩm tra phê duyệt quyết toán 3 công trình.

Đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, KTNN cũng nêu rõ một số đơn vị quyết toán kinh phí chưa đúng quy định, chứng từ không hợp lý, hợp lệ số tiền 763,9 triệu đồng. Một số đơn vị quyết toán tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa giảm tỷ lệ trích nộp theo quy định và giảm chi phí chung tương ứng số tiền 861,7 triệu đồng.

Phê duyệt dự án Chính phủ giao tại thời điểm hết thời gian thực hiện; công tác nghiệm thu chậm, biên bản nghiệm thu lập chưa đúng mẫu, hồ sơ mua sắm, sửa chữa tài sản chưa đầy đủ; chưa mở sổ theo dõi vật tư, thiết bị hư hỏng thu hồi, nhập xuất tồn kho. Một số nhiệm vụ thuộc 2 đề án Chính phủ phải gia hạn nhiều lần, hết thời gian gia hạn chưa thực hiện hoặc tỷ lệ bố trí kinh phí so với dự toán được duyệt đạt thấp (3-8%)./.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý hơn 29 tỷ đồng sau kiểm toán