Người ta thường nghĩ về Kiểm toán nhà nước (KTNN) là các báo cáo, những con số về tài chính nhưng sâu xa hơn thế, KTNN còn có những đóng góp đáng kể với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Là địa phương được kiểm toán, bà đánh giá như thế nào về vai trò của KTNN trong việc phát hiện và xử lý những lỗ hổng về quản lý tài chính công, tài sản công tại địa phương, thưa bà?
Chúng tôi nhận thấy, KTNN có vai trò rất quan trọng, giúp cho Đảng, Nhà nước kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý ngân sách, quản lý tài chính công, tài sản công. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quan trọng được giao, KTNN đã góp phần tích cực vào việc quản lý tài chính, tài sản công của quốc gia.
Đến nay, vai trò của KTNN ngày càng được khẳng định và Đảng, Nhà nước cũng xác định KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công trọng yếu, tin cậy. Trong thời điểm này, chúng ta càng cần phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của KTNN đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm giảm thiểu việc tham nhũng, lãng phí.
Dưới góc độ của địa phương - đơn vị có quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, chúng tôi thấy rằng, KTNN đã giúp cho các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình rất nhiều. Qua công tác phối hợp, cũng như qua các kết quả kiểm toán, đặc biệt là các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN đã trợ giúp đắc lực cho HĐND tỉnh trong việc thẩm tra các tờ trình, dự thảo, trong việc quyết sách, quyết nghị các vấn đề quan trọng của địa phương trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách hiệu quả.
Hiện nay, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Hòa Bình còn rất khiêm tốn, phần lớn vẫn phải dựa vào ngân sách trung ương. Chính vì vậy, việc quản lý, sử dụng ngân sách càng cần phải chặt chẽ hơn. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp chúng tôi quyết định đúng đắn hơn, tốt hơn các vấn đề quan trọng của địa phương, đặc biệt là trong công tác đầu tư công. Qua kết quả kiểm toán hằng năm giúp cho địa phương quyết định công tác đầu tư công của tỉnh Hòa Bình làm sao thực hiện quản lý, sử dụng nguồn ngân sách một cách tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, phù hợp nhất với điều kiện của địa phương.
Thưa bà, HĐND tỉnh Hòa Bình còn có những ý kiến cụ thể nào về sự đồng hành, hỗ trợ của KTNN với địa phương trong những năm qua trên khía cạnh quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách địa phương và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương?
HĐND tỉnh Hòa Bình đã có hai lần ký kết Quy chế phối hợp công tác với KTNN. Thực hiện Quy chế phối hợp đó, HĐND tỉnh Hòa Bình đã cùng đồng hành trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong những năm qua, KTNN đã hỗ trợ tỉnh Hòa Bình rất nhiều trong việc phát triển kinh tế, trong việc kiểm soát sự lành mạnh của chi tiêu ngân sách, việc quản lý ngân sách, quản lý tài chính, tài sản công trong điều kiện của địa phương còn rất nhiều khó khăn.
Khi phối hợp thực hiện công tác phối hợp với KTNN, chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Hòa Bình để thông qua tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến quyết toán ngân sách của tỉnh có sự tham gia của KTNN.
Đối với chúng tôi, những kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách của địa phương chính là những con số mang tính pháp lý để HĐND tỉnh cảm thấy yên tâm khi thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương sao cho ngày càng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn. Vì vậy, tôi mong rằng, KTNN tiếp tục đồng hành, phối hợp với HĐND các tỉnh, trong đó có tỉnh Hòa Bình trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thời điểm này, KTNN vừa tròn 30 năm xây dựng và phát triển, có nhiều đóng góp quan trọng đối với đất nước và các địa phương. Nhưng chắc hẳn địa phương vẫn còn nhiều kỳ vọng lớn hơn nữa, thiết thực hơn nữa đối với cơ quan KTNN. Xin bà có thể chia sẻ thêm về mong muốn của địa phương để KTNN trợ giúp nhiều hơn nữa, đồng hành tốt hơn nữa trong tiến trình tiếp tục lành mạnh hóa công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính công, tài sản công tại địa phương?
Phải nói rằng trong thực tế hiện nay, liên quan đến việc tổ chức, lãnh đạo và điều hành việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công ở cấp huyện và sâu xa hơn nữa là cấp xã cũng chưa được quan tâm thích đáng. Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa hoàn toàn đã tốt, đâu đó vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, việc quyết toán và thực hiện việc lãnh đạo ban hành Nghị quyết, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đều là chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh, HĐND huyện và HĐND các cấp. Trong khi đó, đội ngũ đại biểu HĐND cũng chưa hẳn đã hoàn toàn chuyên nghiệp, nhiều đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã vẫn là cơ cấu. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, nếu điều kiện cho phép thì KTNN cũng giúp cho các địa phương trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn cho đội ngũ đại biểu HĐND các cấp để hoàn thiện, nâng cao hơn nữa về trình độ quản lý, năng lực điều hành, giám sát… Tôi nghĩ rằng, nếu các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện, đại biểu HĐND cấp xã mà cũng có những kiến thức, kỹ năng tốt, am hiểu sâu hơn thì việc đưa ra những quyết định, quyết sách ở địa phương sẽ hiệu quả hơn, góp phần làm lành mạnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công ở địa phương, cũng như trên cả nước.
Xin trân trọng cảm ơn bà!./.