“Vinh hoa bõ lúc phong trần"

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 14/09/2023 09:38

(BKTO) - Tổng thống Joe Biden đã đến Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo đã quyết định nâng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vượt cấp lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Sẽ còn cần phải có thêm thời gian để chúng ta có thể cảm nhận hết được tầm quan trọng của những gì mà các nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết đối với sự phát triển và thịnh vượng của đất nước mình. Tuy nhiên, một số lợi ích to lớn đối với nền kinh tế thì cũng đã hiển hiện ra trước mắt.

hoi-dam-1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ảnh: TTXVN

“Vinh hoa bõ lúc phong trần

Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bắt đầu lời đáp từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tiệc chiêu đãi cấp nhà nước ngày 11/9/2023 bằng hai câu thơ nói trên từ Truyện Kiều nổi tiếng của Việt Nam. Đây là lần thứ 2 ông Joe Biden “lẩy Kiều”. Lần trước, vào năm 2015, với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, ông đã “lẩy Kiều”, khi chủ trì tiệc chiêu đãi người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Và hai câu Kiều lúc đó là:

“Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Có lẽ, không gì diễn tả được đủ chính xác và đủ tinh tế như những câu Kiều nói trên về mối quan hệ đầy trầm luân, nhưng ngày càng tươi sáng giữa hai đất nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu 8 năm trước, gặp được nhau là cơ duyên “Trời còn để có hôm nay”, và quan hệ giữa hai nước cũng mới mở ra “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, thì ngày hôm nay đã là “Vinh hoa”, là “Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”. Giờ đây, Tổng thống Joe Biden đã đến Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo đã quyết định nâng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ Đối tác toàn diện vượt cấp lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Sẽ còn cần phải có thêm thời gian để chúng ta có thể cảm nhận hết được tầm quan trọng của những gì mà các nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết hôm nay đối với sự phát triển và thịnh vượng của đất nước mình.

Tuy nhiên, một số lợi ích to lớn đối với nền kinh tế thì cũng đã hiển hiện ra trước mắt.

Trước hết là Hoa Kỳ cam kết tiếp tục mở rộng thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường thì thị trường là quan trọng nhất. Rất nhiều nước đã vươn lên thành nước phát triển và giàu có là nhờ vào thị trường của Hoa Kỳ. Kể cả Trung Quốc - nước đang cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ thì cũng đã vươn lên nhờ vào thị trường của Hoa Kỳ.

Mặc dù Hoa Kỳ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta sau Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch 109,38 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về Việt Nam chỉ là 14,47 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam lên tới 94,91 tỷ USD. Trong lúc đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 là 175,56 tỷ USD, thì xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 57,7 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lại lên tới 117,86 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Việt Nam là 60,17 tỷ USD.

Như đã nói ở trên, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ là vô cùng lớn. Trong bối cảnh như vậy, nhưng Hoa Kỳ vẫn cam kết mở rộng thị trường cho Việt Nam, thì cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế là rất lớn.

Thứ hai là Hoa Kỳ cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế. Trong nền kinh tế hiện đại, khó có ngành nào có thể quan trọng hơn ngành sản xuất chip bán dẫn. Lý do là vì gần như tất cả các sản phẩm công nghệ hiện đại đều phải có chip ở trong đó. Không có chip không thể có máy tính, không thể có xe điện, không thể có Iphone… Nước nào sản xuất được chip bán dẫn, nước đó sẽ có vị thế và năng lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường quốc tế. Thật ý nghĩa khi Hoa Kỳ cam kết biến Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung ứng chip bán dẫn của thế giới. Và đây cũng là cơ hội để chúng ta tận dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên đất hiếm, quý giá của mình.

Quan trọng hơn nữa là Hoa Kỳ cam kết hợp tác và trợ giúp Việt Nam phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Cuộc cách mạng AI đã chính thức bắt đầu. Với cuộc cách mạng này, tất cả những gì là viễn tưởng như: Robot làm việc thay cho con người, xe tự lái, hàng hóa, dịch vụ được sản xuất và cung ứng theo thời gian thực… đều sẽ trở thành hiện thực. Đây là cuộc cách mạng sẽ làm biến đổi sâu sắc và triệt để toàn bộ đời sống của xã hội loài người. Chúng ta đã từng chậm chân trong các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trước đây nên đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, oan trái. Lần này, chúng ta sẽ không nhỡ tàu, không bị bỏ lại phía sau.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay có ba trung tâm quyền lực trên thế giới. Đó là Mỹ, Trung Quốc và các tập đoàn đã phát triển và làm chủ công nghệ AI. Với việc quan hệ được nâng cấp, không chỉ Chính phủ Hoa Kỳ, mà các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ cũng đang đầu tư và hợp tác với chúng ta trong lĩnh vực AI.

Thứ ba là Hoa Kỳ cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam gắn kết nền kinh tế với các chuỗi cung ứng của thế giới. Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của đất nước. Gắn kết với chuỗi cung ứng của thế giới sẽ giúp chúng ta mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Nền kinh tế nhờ đó sẽ phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Thứ tư, Hoa Kỳ cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát trển nền kinh tế xanh và năng lượng sạch. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đều khẳng định phương thức hành động của Việt Nam là không hy sinh môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế. Quả thực, mọi sự giàu có đều trở nên vô nghĩa, nếu chúng ta không còn môi trường trong lành để sống. Cam kết của Hoa Kỳ là một sự trợ giúp rất quan trọng để chúng ta vừa phát triển kinh tế, nhưng vừa bảo vệ được môi trường cho mình và cho thế hệ sau, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của thế giới.

Những lợi ích kinh tế mà việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ mang lại còn rất nhiều, nhưng, có lẽ, trên đây là những lợi ích căn bản nhất. Chúng ta tin tưởng rằng với những lợi ích như trên, nền kinh tế của đất nước sẽ nhanh chóng cất cánh, và sự hùng cường, thịnh vượng sẽ nhanh chóng đến với Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta! Quả thật, “Vinh hoa bõ lúc phong trần”!./.

Cùng chuyên mục
  • Kiến nghị kiểm toán và cơ chế thực thi
    11 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dự kiến trong tháng 9/2023 này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ được mời giải trình trước Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của mình. Đây là lần đầu tiên một phiên giải trình (thực ra, các nước trên thế giới gọi là phiên điều trần) như vậy được tổ chức ở nước ta.
  • Nới lỏng chính sách tiền tệ: Cần hành động kịp thời
    11 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mỗi chính sách đều có hai mặt. Chính sách nới lỏng tiền tệ cũng vậy. Một mặt, nó có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; mặt khác, nó lại cũng có thể gây ra lạm phát.
  • Giải bài toán tăng trưởng
    11 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Kinh tế phát triển theo chu kỳ: Đi lên rồi đi xuống; đi xuống rồi lại đi lên. Khi nó đi lên, mọi mục tiêu tăng trưởng đều rất dễ dàng đạt được. Khi nó đi xuống, đạt được những mục tiêu này là rất khó khăn.
  • Đối xử với thị trường bất động sản: Giận mà thương
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Bong bóng bất động sản tác động vô cùng tiêu cực đến nền kinh tế. Nhưng đóng băng bất động sản có vẻ cũng sẽ như vậy. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản hiện nay đang là mối lo ngại của không chỉ nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngân hàng mà còn đến cả nhiều nhà kinh tế. Để dễ cảm nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước đã giảm rất mạnh, chỉ đạt 31% dự toán.
  • Nâng tầm vị thế cho Kiểm toán nhà nước
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - 29 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng làm tốt và củng cố vững chắc hơn vị thế “người gác cổng cuối cùng” trung thành và đáng tin cậy của Đảng, công cụ mạnh mẽ của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin tạo căn cứ cần thiết và chính xác hỗ trợ quá trình thông qua các quyết định chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, cũng
“Vinh hoa bõ lúc phong trần"