Không dám mơ đến mua nhà
Đây là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) khi được hỏi về kế hoạch tương lai.
Anh Nam chia sẻ, ai trưởng thành cũng muốn có một gia đình, có gia đình thì đều mong sẽ cho con mình một cuộc sống đầy đủ, có được ngôi nhà vững chãi. Thế nhưng, gần 20 năm đi làm công nhân, tích góp đến mấy cũng khó có thể mua được nhà, dù là ở vùng ngoại thành Hà Nội.
“Tôi làm công nhân cơ khí, nếu được làm thêm thì tổng thu nhập được từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Vợ làm công nhân may theo ca, tổng thu nhập hằng tháng cũng chỉ được 7 đến 9 triệu đồng. Đấy là lúc công việc ổn định nhưng hiện nay, đơn hàng giảm, thu nhập hai vợ chồng chỉ còn 1 nửa. Hai đứa con học tiểu học trường công song mỗi tháng, tiền học, tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt hết 10 triệu đồng. Số dư còn lại cũng chỉ vài ba triệu đồng nhưng gặp trận ốm lại hết. Thế nên cả hai vợ chồng không dám mơ có được nhà ở dù là nhà ở xã hội hay ở nội thành Hà Nội”- anh Nam chia sẻ.
Câu chuyện trên không chỉ là nỗi lòng của riêng anh Nam mà là trăn trở của hàng triệu công nhân hiện nay. Đề cập đến cuộc sống của công nhân hiện nay, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng thừa nhận, phần lớn công nhân hiện nay đều thuê trọ trong những căn phòng 10m2, với mức thuê từ 500.000 đến 1 triệu đồng, những phòng từ 15 - 20m2 thường có giá trên 1 triệu đồng.
Điều kiện chỗ ở chật chội khiến chất lượng sống của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. “10m2 này vừa là chỗ sinh hoạt vừa là chỗ ngủ, nghỉ. Chỗ ở của công nhân thường ẩm thấp, tạm thời và không lâu dài, nhanh xuống cấp, điều kiện không đảm bảo khiến sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp”- ông Nghĩa thông tin.
Đảm bảo cho công nhân thuê nhà giá rẻ
Thực tế ngay tại Hà Nội, một trong những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và có đông công nhân ngoại tỉnh đến làm việc song theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp với xấp xỉ gần 170.000 công nhân đang làm việc.
Trong số 10 khu công nghiệp, chỉ 4 khu công nghiệp có khu nhà ở công nhân, tỷ lệ số nhà ở dành cho công nhân lao động mới đáp ứng được trên 13%. Tổng số nhà ở công nhân dành cho người lao động mới bố trí được trên 22.000 chỗ ở trên tổng số gần 170.000 công nhân.
Theo ông Tuấn, khó khăn là thiếu quỹ đất, bởi các khu công nghiệp trên địa bàn được xây dựng từ rất lâu, cơ bản quỹ đất hiện không còn, trong khi các nhà đầu tư cũng không mặn mà với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
“Ngoài thiếu quỹ đất, ngân sách cho xây nhà ở xã hội cũng còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa mặn mà do vướng cơ chế chính sách, hơn nữa, lợi nhuận hầu như rất thấp, thậm chí không có. Đồng thời, Nhà nước cũng chưa có quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân” - ông Tuấn trăn trở.
Theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong khi chờ đợi các mô hình hay, trước mắt, cần đầu tư, cải tạo môi trường, hạ tầng sinh sống của người lao động đang thuê nhà tại các khu trọ. Cùng với đó, Nhà nước, các tổ chức có thể tính toán mức hỗ trợ cho công nhân về chi phí, hỗ trợ các chủ đầu tư để làm sao phải dành 90% diện tích là cho thuê nhà ở xã hội.
TS. Vũ Minh Tiến nhận định, gốc của vấn đề là lương thấp không đủ sống, khiến người lao động phải tiết kiệm đủ thứ, trong khi chi phí quá lớn.
“Một tháng lương có 5 - 6 triệu đồng, tăng ca thêm 2, 3 tiếng nữa, hai vợ chồng công nhân cũng chỉ thu nhập tầm 13 triệu đồng. Với thu nhập ấy, thuê căn phòng rộng rãi đã khó, làm sao có thể mua nhà. Thực chất vấn đề nhà ở công nhân chính là vấn đề kinh tế. Đây là bài toán không dễ dàng, vì vậy, trước mắt, Nhà nước, bộ, ngành cần có những giải pháp làm sao giúp công nhân thuê được chỗ trọ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất. Ở đó, phòng trọ phải thực sự là nơi an toàn để ở chứ không đơn thuần chỉ là căn phòng trọ để ngủ” - TS. Vũ Minh Tiến nhấn mạnh./.