Hàng loạt quốc gia vào “danh sách đen” tham nhũng
Báo cáo kiểm toán xem xét tình hình sử dụng ngân sách viện trợ của Quỹ Toàn cầu từ ngày 07/01 đến 17/12/2018 đã lên án Chính phủ các nước: Zambia, Cộng hòa Trung Phi, Vương quốc Eswatini, Mozambique, Kenya, Guinea và Nigeria đã có nhiều hành vi gian lận nghiêm trọng. Các đối tượng tham nhũng tại các quốc gia này đang lừa gạt các nhà tài trợ quốc tế và toàn thể người dân khi tìm mọi thủ đoạn bòn rút, biển thủ ngân sách từ nguồn Quỹ vốn đang ngày càng hạn hẹp.
Zambia là quốc gia bị lên án nhiều nhất khi để xảy ra tình trạng đánh cắp tiền và thuốc viện trợ tràn lan. Quốc gia này từng bị các nước trên thế giới lên án gay gắt khi để xảy ra một vụ đánh cắp thuốc số lượng lớn có tổng trị giá hơn 1 triệu USD từ một kho thuốc do Bộ Y tế quản lý. Vụ mất cắp này diễn ra từ năm 2014 đến 2016. Văn phòng Tổng Thanh tra đã tiến hành một cuộc kiểm toán và phát hiện nhiều loại thuốc bị đánh cắp sau đó được tuồn ra bán tại các cửa hàng ở Zambia và Cộng hòa Congo.
Báo cáo kiểm toán trích dẫn thêm một trường hợp ăn cắp thuốc tài trợ tại nước Cộng hòa Trung Phi từ năm 2016 đến 2017. Nhiều loại thuốc giúp điều trị 3 căn bệnh: HIV-AIDS, lao và sốt rét trị giá 198.000 USD đã bị đánh cắp khỏi một kho thuốc lớn. Vương quốc Eswatini cũng xuất hiện trong danh sách đen những quốc gia để xảy ra nhiều bê bối tham nhũng nhất. Tại đây, một cán bộ phụ trách dự án hỗ trợ đời sống của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã bí mật chuyển 26.000 USD ngân sách tài trợ của Quỹ Toàn cầu vào tài khoản cá nhân.
Tại Mozambique, một cán bộ cấp cao của Cơ quan Điều phối quốc gia đã bị Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) của Quỹ buộc tội vì đã biển thủ hơn 22.000 USD từ năm 2016 đến 2017. Đặc biệt, trong 2 tháng qua, báo chí trong nước và quốc tế thường xuyên lên án 2 quan chức của Kenya đã vẽ ra những khoản chi bất thường trị giá 62.000 USD. Số tiền này bị rút từ ngân sách của Chương trình Phòng, chống lao được Quỹ tài trợ. Các quan chức này sau đó đã phải nhận những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với các hành vi phạm pháp của mình.
Một tổ chức phi Chính phủ của Guinea cũng bị cáo buộc đã biển thủ tới 114.000 USD từ năm 2013 đến 2017 bằng cách làm sai lệch dữ liệu và đẩy khống chi phí điều trị căn bệnh HIV. Báo chí Nigeria cũng lên án một cán bộ điều phối của chiến dịch phòng, chống lao đã vạch ra kế hoạch biển thủ 51.000 USD... Vô số trường hợp khác bị lên án quản lý yếu kém, lừa đảo, đánh cắp ngân sách từ một loạt các khoản tài trợ buộc Quỹ Toàn cầu phải đình chỉ, thậm chí chấm dứt các khoản tài trợ tại Uganda, Zimbabwe và một số nước khác.
Các quốc gia trên đã không tuân thủ các thỏa thuận nhận tài trợ từ Quỹ Toàn cầu, công tác quản lý yếu kém, công tác kế toán không được chú ý, các quan chức, cán bộ thông đồng, cố tình phạm pháp để trục lợi cá nhân. Các nước này sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc quản lý, sử dụng sai trái gần 1,2 triệu USD tiền tài trợ.
Không khoan nhượng với các hành vi gian lận
Trong suốt nhiều năm qua, Quỹ Toàn cầu liên tục lên tiếng chỉ trích sự yếu kém của các cơ quan giám sát, cơ quan phòng, chống tham nhũng tại nhiều quốc gia châu Phi. OIG thường xuyên nhấn mạnh và kêu gọi các quốc gia cần tuân thủ chính sách của Quỹ, mỗi USD đều có giá trị và phải được sử dụng đúng mục đích.
Ngân sách 500.000 USD của Quỹ Toàn cầu nếu được sử dụng đúng mục đích sẽ giúp đỡ được vô số những bệnh nhân hiểm nghèo trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia nghèo nhất thế giới ở châu Phi. Tuy nhiên, khoản tiền này đang bị đục khoét, bòn rút bất chấp pháp luật, bất chấp mọi hậu quả và cả tính mạng của người bệnh.
OIG cho biết, Cơ quan này sẽ không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí nào gây cản trở việc hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân trên toàn cầu đang trông chờ vào Quỹ. Hiện tại, OIG đã đưa ra một số chính sách để phòng, chống nạn tham nhũng ngân sách của Quỹ như: đình chỉ các khoản viện trợ; không duyệt chi các khoản viện trợ bổ sung cho các quốc gia không hoàn trả những khoản tiền bị biển thủ, chi sai...
Có tới 51 quốc gia và các tổ chức tài trợ trên toàn thế giới đã đóng góp 37 tỷ USD nhằm chung tay chống lại các căn bệnh trên. Quỹ Toàn cầu cho biết, năm 2017, có tới 219 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét trên toàn thế giới, số bệnh nhân nhiễm HIV-AIDS tại châu Phi chiếm gần 2/3 số người nhiễm căn bệnh này trên toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng ngân sách tài trợ từ Quỹ toàn cầu như trên có thể khiến các quốc gia tại châu lục này mất khá nhiều nguồn tiền trợ cấp nếu các nhà lãnh đạo các nước này không có biện pháp quyết liệt giải quyết vấn nạn trên.
THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019