Với điểm số 53,12, Việt Nam đạt mức độ thông thạo trung bình, xếp thứ 41/88, giảm cả thứ hạng lẫn điểm đánh giá. Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 34 trên tổng 80 nước, vùng lãnh thổ, với 53,43 điểm.
Theo bảng xếp hạng mà EF công bố, chia theo khu vực, nước ta không có nơi nào được xếp vào mức độ thông thạo tiếng Anh cao. 2 khu vực có tiếng Anh tốt nhất là Đông Nam Bộ (54,49 điểm) và đồng bằng sông Hồng (54,34 điểm). Địa phương có EPI cao nhất nước ta là Hà Nội (55,82 điểm). Tiếp đến là TP.HCM (55,08 điểm), Đà Nẵng (53,72 điểm), Hải Phòng (52,88). Các tỉnh, thành phố khác đều thuộc mức độ tiếng Anh thấp và rất thấp.
Ở châu Á, Việt Nam đứng thứ 7, sau Singapore, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc. Trong số các nước, vùng lãnh thổ ở châu Á tham gia đánh giá, chỉ Singapore thuộc nhóm có chỉ số thông thạo tiếng Anh ở mức rất cao, xếp thứ 3 toàn cầu.
Theo đánh giá của EF, châu Á có chênh lệch mức độ thông thạo tiếng Anh lớn nhất so với các châu lục còn lại, với 3 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong 25% top phía trên của bảng xếp hạng năm nay và 4 quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong 10% dưới cùng.
Kết quả này phản ánh hạn chế đáng thất vọng công tác dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, khi đây là môn học được ngành giáo dục rất chú trọng quan tâm đầu tư. Trước đó, tại Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, hơn 78% bài thi tiếng Anh có điểm dưới trung bình.
Việc dạy và học tiếng Anh được chú trọng đầu tư, nhưng chưa mang lại hiệu quả -Ảnh: Tuổi trẻ |
Đề án đặt ra nhiều mục tiêu thực hiện, tuy nhiên, sau 8 triển khai, tính từ khi được phê duyệt, những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án còn khoảng cách xa so với mục tiêu đề ra cả về số lượng người học, chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học.
Cụ thể, theo kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng NSNN thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2016 (cuộc kiểm toán được thực hiện từ ngày 06/7/2017 đến ngày 03/9/2017), 4 mục tiêu của Đề án được kiểm toán đều không đạt yêu cầu. Trong đó, mục tiêu “Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 60% vào năm 2015-2016”, chỉ đạt 1%...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác quản lý và học tiếng Anh chưa cao, đó là do số lượng, chất lượng giáo viên tiếng Anh không đảm bảo; cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng trong định hướng phương pháp dạy và học ngoại ngữ... Bên cạnh đó là những bất cập trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học ngoại ngữ; công tác giảng dạy mang nặng tính lý thuyết, thiếu thực hành, giao tiếp...
NGUYỄN LỘC