Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị, các chính sách đã tác động tích cực đến công tác BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay ước đạt 87% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ Quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm; BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, qua các đợt kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, Bộ Y tế nhận thấy, thực tiễn thực hiện chính sách pháp luật về BHYT có nhiều tồn tại, vướng mắc, tranh luận giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHYT các cấp trong quá trình giám định, thanh toán BHYT liên quan đến: giao trần, giao quỹ, vi phạm chứng chỉ hành nghề, cơ cấu và giá dịch vụ y tế, xã hội hóa- liên danh, liên kết, công nghệ thông tin…
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Có nhiều nguyên nhân gây ra những bất cập này, trong đó một nguyên nhân quan trọng là các bên chưa hiểu đúng và đầy đủ các văn bản. Văn bản hướng dẫn của cơ quan BHXH có khác biệt với hướng dẫn của Bộ Y tế nên có thể gây tranh luận kéo dài giữa các bên. Do đó, sau khi xin ý kiến rộng rãi các bên liên quan, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/12/2018.
Theo đó, Nghị định 146 có một số điểm mới quan trọng như: bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình mà không bắt buộc tham gia cùng thời điểm; quy định chi tiết hồ sơ, điều kiện, nội dung và mẫu hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; bỏ quy định giao Quỹ Khám, chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả trạm y tế xã), thay vào đó là giao tổng mức thanh toán đối với các cơ sở y tế; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; bổ sung quy định mới về công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh, BHYT…
Nhấn mạnh hơn những điểm mới của Nghị định 146, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Nghị định 146 lần này quy định rất rõ, các cơ sở y tế nếu vượt mức trần Quỹ Khám, chữa bệnh, sẽ không được thanh toán BHYT. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không còn khái niệm vượt trần, vượt quỹ. Qua đó, nâng cao tính tự chủ của các cơ sở y tế, các giám đốc bệnh viện, chủ cơ sở khám, chữa bệnh để làm sao hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh; đồng thời cũng phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Quỹ BHYT, đặc biệt là chống sự trục lợi, tiêu cực.
Các cơ sở y tế cần kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT chặt chẽ để tránh vượt trần- Ảnh: H. Hải |
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH các cấp cần thường xuyên phối hợp, làm việc chặt chẽ với sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh, chia sẻ thông tin kịp thời về tình hình sử dụng Quỹ, giao và cấp kinh phí đầy đủ, giám định chính xác, nhanh, không để “treo” quyết toán kéo dài gây ảnh hưởng đến cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân…
HỒNG HẢI