Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc tổ chức.
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: N.LỘC |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận các vấn đề về giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nhằm đánh giá những thành tựu phát triển giáo dục Việt Nam trong 10 năm qua; những vấn đề nổi lên đáng chú ý trong giáo dục và đào tạo, như: tiếp cận và công bằng giáo dục, chất lượng giáo dục, giáo dục đại học, học tập suốt đời...
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung nêu bật các lĩnh vực ưu tiên chính mà ngành Giáo dục nói chung và các cấp học, trình độ đào tạo cần cần giải quyết trong thập kỷ tới cũng như các giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó, đại diện các trường đại học, các tổ chức khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường mối quan hệ và mở rộng các cơ hội kết nối giữa các tổ chức, các đơn vị, các đối tác về phát triển giáo dục.
Các chuyên gia lưu ý đến bối cảnh Việt Nam là một đất nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu trong tình hình dịch bệnh Covid-19…, do đó cần phải có những thay đổi và chiến lược phù hợp của Giáo dục trong thập niên này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chúc mừng ngành Giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong 10 năm qua.
Ông Michael Croftkhẳng định, ngành Giáo dục Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể, chẳng hạn như việc xây dựng, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 theo nguyên tắc dựa trên năng lực; Luật Giáo dục sửa đổi 2019 với nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng, công bằng và hòa nhập trong giáo dục và đảm bảo học tập suốt đời cho tất cả mọi người...
Để giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển và có những kết quả bứt phá trong giai đoạn tới, ôngMichael Croft lưu ý, ngành Giáo dục Việt Nam cần quan tâm hơn đến giáo dục đầu cấp, trong đó cần đặc biệt chú ý đến vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục; tiếp tục chú trọng xây dựng không gian học tập suốt đời cho mọi đối tượng../.