Cho vay tiêu dùng: Khó chồng khó

(BKTO) - Khách hàng cố tình không trả nợ, tình trạng "bùng nợ" ngày càng phổ biến, thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn… Hàng loạt nguyên nhân kiến các tổ chức tín dụng (TCTD) cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng để tránh nợ xấu phát sinh.

cho-vay-tieu-dung.jpg
Cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức. Ảnh: Internet

“Bùng nợ” gia tăng, thu hồi nợ khó trăm bề

Đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng; trong đó, tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống). Đây được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

Tuy nhiên, cho vay tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây khi chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022 tính đến cuối tháng 9/2023. Con số này trái ngược hoàn toàn so với mức tăng bình quân khoảng 20% mỗi năm trước đó. Điều này phản ánh cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức.

Lý giải thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân bị suy giảm, nhu cầu tiêu dùng bị thắt chặt dẫn đến nhu cầu vay tiêu dùng giảm mạnh.

Tình trạng các tổ chức gian lận lợi dụng sự phát triển của công nghệ mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng xảy ra rất nhiều trên diện rộng. Ngoài việc phải gồng mình để tự bảo vệ mình trước nguy cơ hình ảnh, uy tín doanh nghiệp bị phá vỡ, các công ty tài chính, ngân hàng còn phải đương đầu xử lý với các tác động pháp lý liên đới. Chưa kể, tài chính tiêu dùng luôn bị "gắn mác" lãi suất cao khiến người vay vô tình bỏ qua giá trị lợi ích và cơ hội thực sự mà thị trường này mang lại cho người dân và cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ngoài yếu tố nêu trên, theo ông Nguyễn Hồng Quân - Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khó khăn chính trong cho vay tiêu dùng hiện nay xuất phát từ nhận thức và ý thức trả nợ của người đi vay. Cụ thể, khách hàng không phân biệt được sự khác biệt giữa ngân hàng thương mại, công ty tài chính với các ứng dụng, trang tin cho vay không chính thức nên có cách hành xử đối với khoản vay tại ngân hàng thương mại và công ty tài chính như đối với các TCTD đen, tín dụng phi chính thức; bùng nổ tình trạng gian lận và rủ nhau “bùng nợ” vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ đối với khoản vay tiêu dùng khi người vay không muốn trả nợ còn gặp vướng mắc. Phương án khởi kiện không khả thi với các khoản vay tiêu dùng dư nợ nhỏ do chi phí có thể nhiều hơn số nợ thu được. Tình trạng khách hàng “bùng nợ”, không trả được nợ vẫn chưa có chế tài để xử lý; thiếu các công cụ, tổ chức trung gian thu nợ chuyên nghiệp hỗ trợ các ngân hàng và công ty tài chính.

Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%). Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Chung nhận định trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nêu thực tế: Khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý… Những bất cập này đã làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh. 

Cần chế tài đủ mạnh

Để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy cho vay tiêu dùng, đại diện đến từ Bộ Tư pháp cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bao quát hơn các chủ thể trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và các vấn đề xử lý nợ xấu. Đặc biệt, cần có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ. Các quy định hiện hành phải được hoàn thiện, đảm bảo cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp; nghiên cứu xây dựng văn bản luật về tín dụng tiêu dùng...

Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ. Cùng với đó, áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung.

“Việc bùng nợ có thể tiếp tục xảy ra và tác động đến nợ xấu, không những cuối năm 2023 mà còn nhiều năm sau nữa, nếu không có các hành động cụ thể. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cả người đi vay và hoạt động cho vay của các công ty tài chính” - ông Nguyễn Đình Đức cảnh báo.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thu hồi nợ, ông Kian Foh Then - Tổng Giám đốc điều hành Collectius (Asia) - cho biết: Các nước trên thế giới cũng áp dụng những mục riêng biệt trong quy tắc và quy định về đòi nợ; có thông lệ riêng về tự giám sát/điều chỉnh và thuê ngoài. Tiêu biểu như Singapore, Malaysia và Thái Lan đã xây dựng chính sách thuê ngoài để các định chế tài chính tuân thủ khi thuê ngoài hoạt động thu hồi nợ. Nhiều nước đã đưa ra các hình phạt cho việc không tuân thủ của bên thu hồi nợ ngoài. Đây là những kinh nghiệm mà theo ông Kian Foh Then, các TCTD và công ty tài chính tại Việt Nam có thể tham khảo./.

Cùng chuyên mục
Cho vay tiêu dùng: Khó chồng khó