Quy mô gọn, số lượng ít nhưng chất lượng phải cao
Hiện có tới 72 cơ quan chuyên ngành có chức năng thanh tra - theo báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, mỗi năm, Thanh tra Chính phủ chỉ thực hiện 15-16 cuộc thanh tra, còn lại chủ yếu là các cuộc thanh tra của các Bộ, ngành và thanh tra địa phương.
Điều này cũng được ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhìn nhận: Có tình trạng tuần này đơn vị vừa tiếp một đoàn thanh tra của Sở, tuần sau lại tiếp một đoàn thanh tra của Bộ, ngành nào đó về cùng một lĩnh vực liên quan tạo ra sự chồng chéo, trùng lặp, phiền hà cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Chia sẻ về giải pháp, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với KTNN để có biện pháp cụ thể và tính toán để xử lý triệt để từ kế hoạch, đặc biệt là phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để hạn chế số lượng thanh tra nhiều như hiện nay.
Từ phía KTNN, khi trao đổi với các đơn vị trong toàn Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, để khắc phục sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Ban cán sự, Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN đã và sẽ tiếp tục có những quyết sách phù hợp với xu thế chung nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cuộc kiểm toán, đoàn kiểm toán phải gọn, số lượng ít nhưng chất lượng phải cao.
Những giải pháp nêu trên cũng hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 18/NQ-TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó đặt ra yêu cầu: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của KTNN và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ”.
Thể chế quan điểm nêu trên của Đảng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung một điều mới quy định về cơ quan thanh tra và KTNN. Theo đó, tại Điều 64a quy định: Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, KTNN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo. Cơ quan thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với KTNN xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Khi tiến hành hoạt động kiểm toán, thanh tra, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.
Cơ sở pháp lý vững chắc và những giải pháp tích cực
Đáng chú ý, để tạo cơ sở vững chắc nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cùng với Luật KTNN đã được ban hành năm 2015 và sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2019 thì Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 cũng đã có những quy định rất cụ thể.
Theo ông Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (KTNN), có thể thấy rõ sự khác biệt về vai trò, chức năng giữa KTNN và thanh tra nhà nước trong các quy định hiện hành. Cụ thể, thanh tra nhà nước là một thiết chế kiểm tra, kiểm soát được thiết kế bên trong hệ thống hành pháp, là cơ quan trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp về tổ chức và hoạt động nhưng có tính độc lập tương đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Chính từ sự khác biệt về địa vị pháp lý này đã dẫn đến sự khác biệt về hoạt động của KTNN với thanh tra nhà nước trên 5 mặt chủ yếu.
Một là, về chức năng: KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (Điều 9 Luật KTNN năm 2015). Còn về chức năng của cơ quan thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật (Điều 5 Luật Thanh tra năm 2022).
Hai là, về đối tượng: Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra. Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Ba là, về tính độc lập: Tuy hoạt động thanh tra nhà nước và KTNN đều phải tuân thủ nguyên tắc trung thực, khách quan, công khai, song điểm khác biệt lớn nhất trong nguyên tắc hoạt động của KTNN với thanh tra nhà nước chính là nguyên tắc “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Điều này cho thấy hoạt động KTNN có tính độc lập cao.
Bốn là, về mục đích hoạt động: Điểm khác biệt lớn nhất về mục đích hoạt động giữa thanh tra nhà nước và KTNN thể hiện ở mục đích chính của hoạt động thanh tra nhà nước là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Còn mục đích chính của hoạt động KTNN là nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công.
Năm là, về tính chất hoạt động: Thanh tra nhà nước là hoạt động “nội kiểm” (trong hệ thống hành pháp); kết quả thanh tra, kiểm tra làm căn cứ giúp Chính phủ đưa ra các quyết định quản lý. Còn KTNN là hoạt động “ngoại kiểm”; kết quả kiểm toán nhằm giải tỏa trách nhiệm cho Chính phủ và tạo cơ sở về niềm tin với bên thứ ba như: Quốc hội, công chúng và xã hội...
Năm 2023, KTNN đã giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán; xây dựng phương án tổ chức kiểm toán và lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị. Cùng với đó, KTNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng báo cáo kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Hơn nữa, để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với Luật KTNN, khoản 1 Điều 55 của Luật Thanh tra quy định: “Khi tiến hành hoạt động thanh tra, KTNN, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan KTNN để xử lý theo quy định của Luật KTNN và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan KTNN”. Những quy định này là cơ sở pháp lý vững chắc để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực tế - ông Đặng Văn Hải nêu rõ.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra, kiểm tra là một trong những nội dung được KTNN chú trọng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm. Do đó, ngoài việc ký Quy chế phối hợp công tác với Thanh tra Chính phủ, trước khi ban hành Kế hoạch kiểm toán năm, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã chủ động làm việc, trao đổi, rà soát đến từng cuộc kiểm toán. Đồng thời, KTNN luôn hướng đến tiêu chí khoa học, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán, không gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị, địa phương./.