Chủ tịch Quốc hội: Cần có giải pháp mới cho những vấn đề cũ

(BKTO) - Giải ngân vốn chậm, chi ngân sách rất khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp… là những vấn đề nội tại của nền kinh tế khiến cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 còn nhiều thách thức. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần lý giải nguyên nhân và phải có giải pháp mới cho những vấn đề cũ, tồn tại kéo dài nhiều năm.



Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm đạt 6,5-7%. Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 6-6,5%. Cùng với đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ kích thích tăng trưởng thêm khoảng 2%.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo báo cáo chính thức của Chính phủ chỉ đạt 2,91% (số đã báo cáo là 2,91%); GDP quý 1 năm 2022 cũng chỉ đạt 2,53%. Do đó, vấn đề quan trọng nhất theo Chủ tịch Quốc hội, là làm thế nào để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 8-8,5% và đạt mục tiêu 5 năm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra là thách thức rất lớn.

Chia sẻ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm như giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân gói chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43 quá chậm…, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, chi ngân sách hiện nay đang rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Đầu tư công cũng rất thấp, cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân 32,85%. Gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được, trong khi gói này chỉ có giá trị trong năm nay và năm 2023… Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát với địa phương cần phân tích kỹ vấn đề này.

Nhắc đến việc mua thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Quốc hội đã đồng ý cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt, thế nhưng lại xuất hiện tình trạng: một số nơi không dám mua, trong khi có nơi lại mua sai… Tình trạng này diễn ra ở cả việc mua thuốc thông thường.

“Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế mà “có tiền không tiêu được”, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục… thì không biết vướng do đâu còn thể chế thì không vướng gì nữa cả. Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt rồi, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa ” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và đề nghị cần tính toán, làm rõ nguyên nhân của những tình trạng này.

“Cần phải có giải pháp mới cho những vấn đề cũ, những vấn đề đã kéo dài nhiều năm, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Nếu chúng ta không bàn vấn đề này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong cũng không chuyển biến được trong thực tiễn. Những vấn đề về vĩ mô thì Quốc hội, Chính phủ phải tập trung, nhưng ở cấp độ thực hiện ở cơ sở như thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát tại địa phương, Bộ, ngành tập trung thảo luận, hiến kế cho Quốc hội, cho Chính phủ về vấn đề này./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Chủ tịch Quốc hội: Cần có giải pháp mới cho những vấn đề cũ