Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 22, chiều 11/4, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024. Đồng thời xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Nhiều đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được những kết quả nổi bật với nhiều đổi mới, cải tiến trong hoạt động giám sát, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, phiên họp UBTVQH đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Công tác chuẩn bị, tổ chức, tiến hành chất vấn được UBTVQH quan tâm, chú trọng. Nghị quyết về hoạt động chất vấn được ban hành với nhiều yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan thực hiện, các cơ quan Quốc hội theo dõi, giám sát. Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, UBTVQH đã ban hành 5 nghị quyết đối với 14 lĩnh vực.
Hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới và đã đạt nhiều kết quả tích cực, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Trên cơ sở báo cáo của các Đoàn giám sát, Quốc hội, UBTVQH đã ban hành 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề. Các Đoàn giám sát đã giám sát toàn diện lĩnh vực được giám sát nhưng vẫn tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm để đi sâu phân tích, tối ưu hóa kết quả giám sát.
Kết quả giám sát đã cung cấp thêm nhiều thông tin, giải pháp, phương hướng để góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng pháp luật; nhiều kiến nghị giám sát đã được các cơ quan kịp thời nghiên cứu tiếp thu, xử lý trong quá trình xây dựng trình Quốc hội thông qua các đạo luật.
Cùng với đó, việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng với nhiều yêu cầu đổi mới theo hướng trọng tâm, tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật được các vấn đề cụ thể.
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, việc UBTVQH lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến thực chất và tích cực hơn nữa trong hoạt động này.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. UBTVQH đã định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hằng tháng, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được chỉ đạo phối hợp giải quyết dứt điểm…
Đánh giá kỹ những tồn tại để có giải pháp khả thi
Đồng tình với những đánh giá trong báo cáo, từ thực tế tham gia một số đoàn giám sát, phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng cho không chỉ giám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước mà còn tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức cho chính các thành viên đoàn giám sát.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. “Các chuyên đề giám sát tối cao cần lưu ý xem sau một năm các kiến nghị của Quốc hội được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện như thế nào; yêu cầu phải báo cáo trở lại. Các phiên giải trình, phiên chất vấn đã được thực hiện rất đúng, rất hay, tuy nhiên, cần xem xét những lời hứa, những cam kết được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào? Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc” - bà Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm.
Nhấn mạnh, công tác giám sát không chỉ giúp hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội, UBTVQH, mà còn giúp nâng cao năng lực của chính các đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị sau phiên giải trình, chất vấn cần có văn bản kết luận chính thức, hoặc một nghị quyết đưa ra đề xuất chi tiết và có thời hạn cụ thể để cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp đặt ra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, trong báo cáo tổng kết của các khoá Quốc hội trước đây đều nhận định công tác giám sát còn hạn chế. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của khoá XV đã được quán triệt và thực hiện rất tích cực... Giám sát có nhiều hình thức, công tác giám sát của Quốc hội có nhiều bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực cũng như phương thức giám sát.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế, đồng thời quan tâm đến hậu giám sát, đặc biệt là việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là các Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng có chung nhận định, báo cáo đã nêu đầy đủ về những khó khăn khách quan, tuy nhiên, về những tồn tại, hạn chế còn mờ nhạt. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn, nêu rõ hơn nữa những tồn tại, hạn chế, những nội dung đã có quy định, có chỉ đạo nhưng thực hiện không tốt để có phương án, giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả giám sát.
Quan tâm đến cách thức tiến hành giám sát thực tiễn ở các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần chọn địa điểm khảo sát, giám sát một cách kỹ lưỡng, có trọng điểm, làm rõ những vấn đề cần làm rõ trước khi giám sát, giảm số lần giám sát trùng lặp, qua đó rút ngắn thời gian, tăng tính hiệu quả của việc khảo sát thực tế.
Đồng tình quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, việc giám sát thực tế ở địa phương là công tác quan trọng, quyết định chất lượng giám sát, vì thế cần có cách làm hợp lý, khoa học. Khi làm việc với các địa phương, các Tổ, Đoàn công tác cố gắng làm càng chi tiết, càng sâu sát các vấn đề thì càng có hiệu quả cao./.