Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.




Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong KTHĐ. Ảnh tư liệu

Thành công nhờ xác định rõcác tiêu chí kiểm toán

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, cuộc kiểm toán công tác bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong số ít cuộc kiểm toán chuyên sâu về KTHĐ mà KTNN thực hiện vừa qua. Việc áp dụng KTHĐ đối với lĩnh vực kiểm toán khó như kiểm toán môi trường càng đặt ra nhiều thách thức cho Đoàn kiểm toán, trong đó có việc xác định tiêu chí kiểm toán.

Vượt qua khó khăn, đặc biệt là tác động của dịch bệnh tại thời điểm kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã nỗ lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Theo đó, thông qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán nhận thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý môi trường không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý; công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ, cấp phép đề án bảo vệ môi trường còn hạn chế; nhiều dự án đang hoạt động nhưng không có hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và quy hoạch được duyệt… Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng Ban quản lý Khu kinh tế chưa kịp thời có biện pháp xử lý vi phạm, cũng như chưa có biện pháp để giám sát, theo dõi tình hình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra...

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, kết quả cuộc kiểm toán là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, song với một cuộc kiểm toán chuyên sâu về KTHĐ, việc xác định rõ tiêu chí kiểm toán góp phần quyết định thành công của cuộc kiểm toán. Từ đó, đơn vị đã chú trọng xây dựng tiêu chí kiểm toán ngay trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán nhằm khoanh vùng, xác định vấn đề kiểm toán trọng tâm, đó là đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp quản lý nhằm bảo vệ môi trường khu kinh tế. Theo đó, một số tiêu chí kiểm toán được xác định, như: Đánh giá về sự chặt chẽ của quy trình cấp phép hoạt động, cấp phép xả thải; việc xử lý sai phạm trong quá trình xả thải, thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường có tuân theo quy định hay không; việc khắc phục sai phạm của các cơ sở sản xuất… “Việc xác định các tiêu chí kiểm toán phù hợp tạo cơ sở định hướng và phát triển cuộc kiểm toán như: Xây dựng quy trình thu thập bằng chứng kiểm toán; định hướng kết quả kiểm toán...” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết.

Khẳng định trong KTHĐ, tiêu chí kiểm toán đóng vai trò vô cùng quan trọng, đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, tiêu chí kiểm toán là những khía cạnh nhấn mạnh, là thước đo hoạt động mà kiểm toán viên sử dụng để đánh giá về một vấn đề. Kiểm toán viên cần phải xây dựng hoặc lựa chọn các tiêu chí kiểm toán thích hợp tương ứng với từng nội dung kiểm toán để có thể đưa ra đánh giá, kiến nghị kiểm toán. Các tiêu chí được xây dựng phải thỏa mãn một trong các nguyên tắc về tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực. “Dù KTHĐ là lĩnh vực mới, song trong các cuộc kiểm toán chuyên sâu hoặc lồng ghép, các đơn vị kiểm toán đã chú trọng xây dựng tiêu chí kiểm toán, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kiểm toán” - lãnh đạo Vụ cho biết.

Nâng cao chất lượng xây dựngtiêu chí kiểm toán

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xác định tiêu chí KTHĐ, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện kiểm toán. Nguyên nhân do KTHĐ là loại hình mới và khó với hầu hết các cơ quan kiểm toán; kinh nghiệm KTHĐ của kiểm toán viên còn ít nên chưa thiết lập được hệ thống tiêu chí kiểm toán đảm bảo tính đầy đủ, phù hợp. Mặt khác, việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công rất rộng, phức tạp do sản phẩm đầu ra của hoạt động khó lượng hóa…

Là một trong những đơn vị kiểm toán từng chủ trì thực hiện một số cuộc KTHĐ, lãnh đạo KTNN chuyên ngành VII nêu thực trạng, cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cuộc kiểm toán còn chưa đầy đủ, nhất là hệ thống thông tin về các đầu mối kiểm toán để giúp kiểm toán viên trong việc thu thập thông tin, xác định tiêu chí kiểm toán thích hợp. Do đó, với việc KTNN tập trung thu thập dữ liệu của đối tượng kiểm toán được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn này, giúp đơn vị kiểm toán thuận lợi hơn trong việc xây dựng tiêu chí kiểm toán.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các xét đoán nghề nghiệp trong bối cảnh KTNN đang nỗ lực xây dựng hệ thống tiêu chí KTHĐ, đại diện Phòng KTHĐ, KTNN khu vực IV cho biết, kiểm toán viên cần phải tiếp cận thông tin từ tài liệu hợp pháp, hợp quy, từ xem xét thực tế tại đơn vị, đảm bảo gắn với bằng chứng kiểm toán để đưa ra xét đoán, dựa trên kinh nghiệm của bản thân. “Nhiều tiêu chí kiểm toán được đưa ra thời gian qua chủ yếu là nhờ kinh nghiệm của kiểm toán viên” - đại diện Phòng KTHĐ nói thêm.

Từ góc độ nghiên cứu, PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, theo khuyến nghị của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao, khi thiết lập tiêu chí KTHĐ, cơ quan kiểm toán nên xây dựng thành nhóm tiêu chí tổng hợp và nhóm tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí có thể đánh giá dựa trên ảnh hưởng, hoặc được định lượng. Đơn cử, tiêu chí đánh giá tính hiệu quả trong kinh doanh có thể bao gồm: Chi phí đầu vào tương quan với một sản phẩm; tiêu chí hiệu quả tác động lan tỏa như tác động đến môi trường, xã hội...

Các đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, kinh nghiệm được chia sẻ từ chính các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên có kinh nghiệm và chuyên gia trong xây dựng tiêu chí KTHĐ sẽ mang đến những gợi mở hữu ích cho hoạt động kiểm toán, trong bối cảnh KTNN đang đẩy mạnh thực hiện loại hình kiểm toán này. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng xây dựng tiêu chí KTHĐ, KTNN cần không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên đối với KTHĐ. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về KTHĐ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các cơ quan, tổ chức kiểm toán quốc tế; nâng cao nhận thức của đối tượng kiểm toán đối với KTHĐ để tạo thuận lợi trong quá trình thu thập thông tin, xây dựng tiêu chí kiểm toán./.
         
   
Các tiêu chí đánh giá không thể chung chung, mà cần căn cứ vào quy mô, tính chất, mục tiêu từng cuộc kiểm toán để đề ra tiêu chí phù hợp. Do đó, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, kiểm toán viên với kinh nghiệm trong từng nội dung, lĩnh vực kiểm toán sẽ đóng vai trò quan trọng hình thành nên tiêu chí kiểm toán, trên cơ sở bám sát quy định chung của Ngành.
   
KTNN chuyên ngành VII
   
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động