Chuẩn mực kiểm toán nhà nước - kim chỉ nam cho hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) là văn bản quy phạm pháp luật dưới luật cao nhất, quan trọng nhất của Kiểm toán nhà nước (KTNN), là kim chỉ nam cho hoạt động kiểm toán của Ngành.

tc.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Thúy

Chiều 19/5, Ban Chỉ đạo Xây dựng CMKTNN (sửa đổi) họp phiên đầu tiên về định hướng và Kế hoạch sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN. 

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng CMKTNN - chủ trì cuộc họp. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo dự cuộc họp.

Sửa đổi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam

Ông Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát Chất lượng kiểm toán, Thành viên Ban Chỉ đạo - cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN nhằm hoàn thiện Hệ thống Chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế và vận dụng vào hoạt động kiểm toán của KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, giai đoạn 2021-2030. 

a-thuyet.jpg
Ông Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát Chất lượng kiểm toán, Thành viên Ban Chỉ đạo - báo cáo về Kế hoạch sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN. Ảnh: Minh Thúy

Việc sửa đổi và bổ sung sẽ được thực hiện theo hướng: Cập nhật các sửa đổi, bổ sung của Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế do Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) xây dựng phù hợp với pháp luật, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN.

Theo đó, những quy định trong Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế không phù hợp với pháp luật, cơ chế quản lý của Việt Nam và thực tiễn KTNN Việt Nam sẽ không đưa vào chuẩn mực (có thể nghiên cứu để vận dụng vào các tài liệu tham khảo). Với những nội dung cần thiết, phù hợp với cơ chế quản lý và thực tiễn của KTNN Việt Nam nhưng không có trong quy định của Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế, Ban soạn thảo nghiên cứu để đưa vào những quy định cụ thể trong các CMKTNN hoặc hướng dẫn kiểm toán cho phù hợp.

Việc sửa đổi và bổ sung Hệ thống CMKTNN phải tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuân thủ luật và các quy định của Việt Nam trong lĩnh vực KTNN.

Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo các yêu cầu là kim chỉ nam cho hoạt động kiểm toán của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn: Việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật, phù hợp thể chế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và từng bước tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung vẫn theo 3 loại hình kiểm toán: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Về nội dung, theo các khuyến cáo của INTOSAI, KTNN xây dựng hệ thống chuẩn mực dựa trên ISSAIs (các chuẩn mực của INTOSAI), duy trì và cập nhật các ISSAI này khi có sự thay đổi; phù hợp với pháp luật, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN.

Cụ thể, đối với các chuẩn mực mang tính nguyên tắc trong hoạt động kiểm toán nói chung và từng loại hình kiểm toán nói riêng, KTNN chỉ cập nhật những sửa đổi, bổ sung của Hệ thống IFPP (Bộ Chuẩn mực của INTOSAI về các hướng dẫn nghiệp vụ) và biên tập cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN.

Đối với CMKTNN 130 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và CMKTNN 140 - Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN sẽ cập nhật và sửa đổi theo ISSAI 130 và ISSAI 140 (trước đây là CMKTNN 30, CMKTNN 40).

KTNN sẽ xây dựng mới CMKTNN 150 về Năng lực chuyên môn theo ISSAI 150 do INTOSAI xây dựng vào tháng 11/2022 (nếu có thể phù hợp).

Đối với các chuẩn mực của loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động), Ban soạn thảo chỉ giữ lại các nội dung mang tính nguyên tắc, định hướng trong hoạt động kiểm toán thuộc các loại hình kiểm toán hoặc chỉ thiết kế các nội dung cơ bản; lược bỏ các hướng dẫn chi tiết. Lý do là bởi hiện tại, KTNN đã ban hành các hướng dẫn chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn cho các loại hình, lĩnh vực kiểm toán tương đối chi tiết và đầy đủ. 

Đặc biệt, theo IFPP, các chuẩn mực kiểm toán tài chính từ ISSAI 2200 đến ISSAI 2810 áp dụng trực tiếp các chuẩn mực của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và không có chú giải thực hành như hệ thống ISSAI trước đây nên khi xây dựng các CMKTNN cấp độ 4 về kiểm toán tài chính, KTNN có thể vận dụng linh hoạt hơn các ISSAI cấp độ 4 về tài chính của INTOSAI…

4 nguyên tắc khi sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến về định hướng, cách triển khai, dự kiến tiến độ, thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN.

Vấn đề được đa số thành viên thảo luận là cần tuân thủ chuẩn mực quốc tế nhưng lựa chọn những nội dung phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều kiện của KTNN để đưa vào chuẩn mực.

Đối với việc kiểm toán lĩnh vực công, đại diện Ban soạn thảo cho biết sẽ rà soát kỹ nội dung này của INTOSAI để xem xét, đưa vào Hệ thống chuẩn mực.

s-tuan.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng CMKTNN (sửa đổi) phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Thúy

Kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các Tổ soạn thảo rà soát 39 chuẩn mực hiện hành, cập nhật những yêu cầu mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và điều kiện thực tế của KTNN để sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN.

Việc sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật, phù hợp thể chế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và từng bước tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nhấn mạnh: Hệ thống CMKTNN là văn bản pháp luật dưới luật cao nhất của Ngành và bắt buộc kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Dự kiến, Hệ thống CMKTNN sửa đổi, bổ sung sẽ được ban hành vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN (tháng 7/2024)./.

Cùng chuyên mục
Chuẩn mực kiểm toán nhà nước - kim chỉ nam cho hoạt động kiểm toán