Trong đó, công chức có hơn 4.000 người, chiếm 1,98%; còn đối tượng chủ yếu là viên chức (35.523 người), thuộc khối giáo dục (16.427 người, chiếm 41,53%, trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm khoảng 60%) và khối y tế (12.198 người, chiếm tỷ lệ 30,84%, trình độ đại học trở lên là 65,27%, độ tuổi từ 40 trở xuống là 74,72%) và nằm trên những cái địa bàn kinh tế xã hội phát triển cao (như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ…).
Công chức, viên chức nghỉ việc vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan không phải là điều mới và hiếm cả ở Việt nam và thế giới. Tỷ lệ công chức nghỉ việc ở Pháp và Singapore đều cao hơn 9%. Hơn nữa, sự dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực tư, từ thị trường lao động trong nước ra thị trường lao động nước ngoài đang ngày càng đậm dần, do sự cạnh tranh về môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và hình thành các giá trị xã hội mới về lao động, việc làm và trách nhiệm xã hội trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ngày càng đề cao vai trò khu vực tư nhân.
Đặc biệt, mấy năm gần đây, trên thế giới xu hướng dịch chuyển lao động trong các ngành kinh tế và khu vực xã hội đang diễn ra mạnh mẽ, linh hoạt hơn, gắn với áp lực của đại dịch Covid-19, với tác động quá trình tái cơ cấu ngành, thay đổi phương thức làm việc, điều chỉnh chế độ lương bổng, phúc lợi và đổi mới các hoạt động kinh tế - xã hội vĩ mô và vi mô, quốc gia và quốc tế trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghệ 4.0….
Thực tế 3 năm qua, khu vực doanh nghiệp đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 17,7%; chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 7/2019 đến hết năm 2022 ước tính tăng khoảng 10%; lương cơ sở mới được điều chỉnh tăng khoảng 7,19%. Điều này đồng nghĩa với sự vi phạm nguyên tắc điều chỉnh lương cơ sở “bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Sự chậm trễ nâng lương cơ sở ở khu vực công, sự đầu tư thích đáng và chính sách đãi ngộ đối với người lao động trong khu vực dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục ngoài công lập tốt hơn khu vực công đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy dòng dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực tư…
Trước tình hình đó, ngày 14/9/2022, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%). Thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở dự kiến từ ngày 01/7/2023 với nguồn kinh phí ngân sách tăng thêm trong năm 2023 khoảng 44.000 tỷ đồng.
Tăng lương cần gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng coi trọng tinh và chất lượng; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ.
Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 15/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 11 Bộ, cơ quan. Kết quả dự kiến sắp xếp, sẽ giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 8 cục (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 145 vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, 16/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, 58 địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo các tiêu chí của Chính phủ, nhờ đó giảm 7 cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; 1.649 phòng thuộc sở; 273 chi cục thuộc sở; 638 cơ quan chuyên môn và tương đương cấp huyện.
Cùng với việc đổi mới quản lý biên chế công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế, trong giai đoạn 2022-2026, cả nước sẽ thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục.
Về tổng thể, các giải pháp điều chỉnh mức lương cơ sở, cải thiện tổng thể và toàn diện môi trường làm việc và văn hóa quản lý, hoàn thiện các quy trình và tiêu chuẩn đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng, theo dõi và đánh giá, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, cùng với các chính sách an sinh xã hội phù hợp và linh hoạt khác… cần được triển khai đồng bộ, hợp lý nhất, tối ưu nhất, an toàn nhất, nhằm khích lệ sự tận tâm, khai thác cao nhất mọi năng lực và duy trì kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đó là kết quả và cũng là động lực, thước đo sự nỗ lực của Chính phủ trong nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa khu vực công với khu vực tư, giữ chân được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những đội ngũ chất lượng cao cống hiến hết mình vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc và khát vọng hùng cường của đất nước./.