Chuyển đổi số để Việt Nam phát triển nhanh hơn

(BKT) - 2023 là năm dữ liệu số quốc gia và là năm thứ 4 Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS). Việc tạo lập và khai thác dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như kết nối - chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu…

bt-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10/2013. Ảnh: Bộ TTTT

Tạo lập và khai thác dữ liệu số đạt nhiều kết quả tích cực

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sau 4 năm, CĐS đã thực sự mang tính toàn dân và toàn diện.

Đến nay, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày.

Ngày CĐS quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS; đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của các cấp, ngành và toàn dân, bảo đảm sự thành công của CĐS

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; CSDL quốc gia bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với CSDL quốc gia về dân cư.

CSDL về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 9,2 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân.

CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các Bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt 95%).

Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hàng ngày, hàng tháng từ các Bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Tính tiên phong của các DN công nghệ số hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… trong triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, xây dựng nền tảng số cho DN nhỏ và vừa, tài chính, thanh toán và dịch vụ gia tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng KTS của Việt Nam…

cds-ts.jpg
Quang cảnh Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị". Ảnh: Bộ TTTT

4 trợ lý ảo, gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập

Đến nay, cả nước đã có gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, bản để hướng dẫn người dân CĐS.

Ngành thông tin và truyền thông đang triển khai 4 trợ lý ảo quan trọng, đó là:

Trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp, thông qua việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp, giúp cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định.

Trợ lý ảo ngành tư pháp, hỗ trợ tra cứu pháp luật (như án lệ, bản án liên quan, giải đáp tình huống pháp lý), hỗ trợ công việc của thẩm phán. Trợ lý ảo này giúp giảm thời gian xử lý công việc của thẩm phán tới 30%.

Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân. Trợ lý này trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, các quy định của nhà nước.

Phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị" vào sáng 10/10, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban CĐS Quốc gia - nhấn mạnh: Quốc gia nào muốn thịnh vượng đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì bắt buộc phải CĐS.

CĐS là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3- 4 lần tăng trưởng GDP. CĐS là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. CĐS làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.

Cũng theo Bộ trưởng, CĐS là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau. CĐS ở Việt Nam đã thực sự trở thành toàn dân, toàn diện.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Đất nước muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới, động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Chuyển đổi số là cơ hội lịch sử, là chiến lược quốc gia, là động lực mới của phát triển, mở ra thời kỳ phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số để Việt Nam phát triển nhanh hơn