Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp còn chậm, chưa toàn diện

Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) phát triển. Xác định rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT nêu yêu cầu “có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

90f8ccdaf020c2d183d6ddc378406cf7.jpg
Chuyển đổi số được coi là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ảnh tư liệu

Còn nhiều thách thức

HTX chè Thịnh An được thành lập từ năm 2016 (Sông Cầu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Thời gian đầu khi chưa áp dụng chuyển đổi số, doanh thu của HTX chỉ vào vài trăm triệu/năm, nhưng hiện nay doanh thu của HTX vài tỷ đồng/năm và trở thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu của vùng chè nổi tiếng Thái Nguyên.

Trước đây, HTX áp dụng quy trình sản xuất, chế biến thủ công nên giá trị thu nhập từ cây chè mang lại cho người trồng không cao. Những năm gần đây, nhờ việc chủ động trao đổi kinh nghiệm, mạnh dạn trồng những giống chè mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây chè đã cho năng suất cao, ổn định hơn. 

Việc ứng dụng công nghệ được thực hiện ngay từ quá trình trồng, chăm sóc chè, áp dụng quy trình tưới tự động tích hợp 4 trong 1, gồm: nước, vi sinh, phân bón dạng lỏng và thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống tưới được cài đặt tự động, từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất và giúp công tác chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn. Hiện nay, mỗi năm, các thành viên HTX thu lãi từ 120-130 triệu đồng/ha chè; thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 6-9 triệu/tháng. 

Theo Liên minh HTX Việt Nam, nhiều HTX đã từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh… để tăng doanh thu. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX, song thực tế cho thấy, việc triển khai số hóa, liên kết để HTX phát triển vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

“Nhìn chung việc chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp của các HTX còn chậm, chưa toàn diện. Nhiều HTX, nông hộ vẫn loay hoay với câu hỏi nên chuyển đổi số như thế nào. Thành viên HTX trình độ công nghệ nói chung còn lạc hậu, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún” – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) Nguyễn Mạnh Cường cho biết và nói thêm rằng, khái niệm chuyển đổi số còn xa vời với một bộ phận nông dân, thậm chí là với doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lí giải nguyên nhân khiến nông nghiệp vẫn là “vùng trũng” trong chuyển đổi số, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết, phần lớn các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, khó bố trí nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật; mức độ sẵn sàng và khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ quản lý, thành viên HTX đều ở mức dưới trung bình do trình độ thấp, độ tuổi trung bình cao và tâm lý ngại thay đổi; cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn lạc hậu.

Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những quy định, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi áp dụng cho đối tượng đặc thù HTX liên quan đến chuyển đổi số. Các HTX khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển và thông tin liên quan đến chuyển đổi số…

Hỗ trợ thiết thực cho HTX trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực KTTT, HTX phát triển. Tuy nhiên, nhận thức về chuyển đổi số còn hạn chế; quá trình chuyển đổi số của HTX diễn ra chậm đang đặt ra những thách thức to lớn, đòi hỏi các ngành chức năng và bản thân HTX phải thay đổi và chú trọng hơn nữa trong vấn đề này.

Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam Mai Quang Vinh cho rằng, một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong thời gian qua, đó là chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực... 

Để chuyển đổi số thành công, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên của HTX. Khi các HTX nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, thay đổi mô hình quản trị. Theo đó, các HTX, đặc biệt là lãnh đạo HTX cần được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Các thành viên HTX cũng cần được tuyên truyền để thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau.

Ngoài ra, một trong những giải pháp quan trọng để "kích hoạt" chuyển đổi số tại các HTX trong thời gian tới, đó là xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp. Theo đó, cần thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, ứng dụng bản đồ tra cứu thông tin thổ nhưỡng, thủy văn, sản lượng nông sản, thủy sản trên cả nước và chi tiết từng tỉnh, thành phố để người nông dân có thể tra cứu và áp dụng nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. 

“Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp cấp Trung ương và địa phương được hoàn thiện sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để xây dựng, áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp” – ông Vinh nhấn mạnh.

Để giải quyết khó khăn về tài chính trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng một nền tảng số dùng chung cho tất cả các HTX để có hệ thống quản trị hiện đại, giúp các HTX tiếp cận hệ tri thức về quản trị, gồm: Quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý lao động và vận dụng phù hợp đối với đơn vị mình. Ngoài ra, cần phát triển thêm các sàn thương mại điện tử chuyên cho các HTX để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm… Khi sử dụng nền tảng quản trị dùng chung thì chi phí mà một HTX phải chi trả sẽ không quá cao, do đó phù hợp với điều kiện của HTX, cũng như tạo động lực thu hút các HTX thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. 

Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học - công nghệ cho các tổ chức KTTT trên cơ sở nhu cầu và theo hợp đồng được ký kết với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn; Hỗ trợ các tổ chức KTTT đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Hướng dẫn các tổ chức KTTT có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.

- Trích Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới -

Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp còn chậm, chưa toàn diện