Chuyển động của thị trường bán lẻ: Phục hồi chậm

(BKTO) - Bước vào những tháng cuối năm 2023, song hành với những tín hiệu khả quan của kinh tế vĩ mô, tháng sau tích cực hơn tháng trước, 2/3 số doanh nghiệp ngành bán lẻ được khảo sát kỳ vọng thị trường sẽ cải thiện hơn những tháng qua, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp.

st.jpg
Doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng thị trường sẽ dần cải thiện. Ảnh minh họa: VGP

Tăng trưởng chậm, phục hồi cần có thời gian

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report - đơn vị vừa thực hiện khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho biết, 1/3 số doanh nghiệp còn lại có góc nhìn tiêu cực hơn khi cho rằng, với dư âm tiêu cực của giai đoạn tiêu thụ yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn sẽ dai dẳng. Do đó, sự phục hồi cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng sang nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường.

Theo phân tích của các chuyên gia, diễn biến của thị trường bán lẻ thời gian qua khá ảm đạm, nhất là từ quý IV/2022 đến giữa năm 2023 và gần như đồng pha với đà tăng trưởng chậm của kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bán lẻ đã phải chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình xuất khẩu khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, cộng hưởng với gánh nặng từ môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2023 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm theo giá hiện hành đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 3 quý đầu năm thể hiện qua những cuộc đua hạ giá, giành thị phần càng siết chặt đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ.

Các chuyên gia phân tích của Vietnam Report nhận định, trong phần còn lại của năm, áp lực đối với doanh nghiệp bán lẻ nhìn chung vẫn giống những tháng đã qua. Vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đây vẫn là 2 mối lo chính của các doanh nghiệp được khảo sát với tỷ lệ lần lượt 100% và 92,9% số doanh nghiệp đồng ý.

Trong khi đó, sức nóng từ môi trường cạnh tranh gay gắt thể hiện qua các “cuộc chiến” về giá tuy có dịu bớt song vẫn nằm trong Top 3 thách thức lớn nhất đối với các DN bán lẻ.

42,9% số doanh nghiệp bán lẻ được khảo sát bày tỏ lo lắng và nhận định biến động tỷ giá là khó khăn lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.

Một số yếu tố có khả năng cải thiện

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp bán lẻ còn cho thấy, trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp có những lo lắng nhất định về rủi ro lạm phát, chi phí lãi vay, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn, tuy nhiên, một số yếu tố có khả năng cải thiện tốt.

Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với cùng kỳ năm trước được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lắng xuống nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện, nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, cũng như người tiêu dùng.

Có thể nói, lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho doanh nghiệp củng cố nghị lực, vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ cải thiện tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2023 - ông Vũ Đăng Vinh bình luận.

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành có thể giúp khôi phục dần tín dụng tiêu dùng sau khi nợ xấu được kiểm soát cũng như giảm một phần áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ.

Ngoài ra, chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 01/7/2023 và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% góp phần tăng sức cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các doanh nghiệp bán lẻ thời gian tới.

Hơn nữa, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần hạ nhiệt tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam thì gánh nặng tiêu dùng sẽ được giải tỏa và lan rộng ra toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính này của Việt Nam có thể tăng tốc từ cuối 2023 sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và suy thoái kinh tế, dần ổn định thu nhập và đưa Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới.

Mùa mua sắm cuối năm cũng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động hơn, giúp các doanh nghiệp ngành bán lẻ cải thiện tình hình kinh doanh và có thể lấy lại đà tăng trưởng.

Xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.

Việt Nam có dân số đông và trẻ với 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng, với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng trong những năm gần đây. Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ sẽ ngày càng rộng lớn.

Nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập trung bình ngày càng tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam - các chuyên gia nhận định.

Cùng chuyên mục
  • Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch 12 địa phương
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đây là yêu cầu trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến với 12 địa phương về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  • Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã triển khai ra sao?
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (TBTCO) - Hiện nay đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay làm nhà ở xã hội, theo chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn được giải ngân chỉ khoảng 83,1 tỷ đồng trên tổng số 1.095 tỷ đồng.
  • Vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Số tuyệt đối cũng như tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 khoảng 24-25%, đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý.
  • Mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% là vô cùng khó khăn
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi tốt hơn so với năm 2023, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
  • LNG - Tương lai của ngành năng lượng Việt Nam
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Công nghệ hóa lỏng khí được biết đến vào cuối thế kỷ 19. Đến nay, loại khí này ngày càng được sử dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và trở thành con “át chủ bài” của xu thế năng lượng mới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sáng giá trên thị trường LNG thế giới.
Chuyển động của thị trường bán lẻ: Phục hồi chậm