Chia sẻ tại Hội thảo "Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 04/12, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết số lượng các ngân hàng tham gia tín dụng xanh và dư nợ tín dụng xanh từ 2017 tới nay tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh ở mức bình quân 2 con số song ngành ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai các sản phẩm tín dụng xanh.
Hiện nay, các tổ chức tín dụng còn thiếu căn cứ để xác định cấp tín dụng xanh do chưa có quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế. Đây cũng là lý do khiến các tổ chức tín dụng chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh.
Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận mua bán điện), khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.
Bà Tùng cũng lưu ý tới rủi ro chênh lệch kỳ hạn. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
Các kênh huy động vốn dài hạn cho dự án xanh chưa thực sự phát triển như thị trường trái phiếu xanh, gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
“Từ năm 2021 khi Việt Nam có tuyên bố tại COP26, các cơ quan truyền thông, báo chí đã vào cuộc thông tin nhiều về chương trình phát triển xanh nhưng nhận thức của người vay nói về tín dụng xanh còn hạn chế, họ tập trung vào hiệu quả trước mắt, chưa có nhận thức rõ ràng về chuẩn hóa môi trường, xã hội, khó khăn trong đưa vốn vào lĩnh vực này”, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank - chia sẻ thêm về khó khăn khi giải ngân tín dụng xanh.
Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, bà Bình cũng cho biết các ngân hàng trong nước hiện nay đang khó khăn trong việc huy động vốn dài hạn để đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh. Đến nay, các định chế lớn trên thế giới vẫn chủ yếu hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong nước trên phương diện kỹ thuật chứ chưa đẩy mạnh cho vay.
Cân bằng giữa môi trường và lợi nhuận
Lựa chọn những ngành tiềm năng và có thứ tự ưu tiên khi cấp tín dụng xanh là rất quan trọng. Quá trình này đòi hỏi đồng thời 2 yếu tố: (1) có tác động tích cực đến khí hậu, môi trường và (2) có khả năng tạo ra lợi nhuận.
Do đó, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - khuyến nghị 5 lĩnh vực cần ưu tiên nguồn vốn tín dụng xanh.
Thứ nhất, năng lượng tái tạo. Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, với tổng công suất tiềm năng ước tính lên tới 220GW. Việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Thời gian qua, bên cạnh thủy điện, điện mặt trời và điện gió trên bờ tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Cùng với phát triển nguồn điện tái tạo, đầu tư nâng cấp lưới điện để khai thác hiệu quả các nguồn điện tái tạo mới cũng là nhu cầu quan trọng.
Thứ hai, các ngành kinh tế có thể triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng như xi măng, sắt thép, xây dựng (toà nhà tiết kiệm năng lượng)… Bên cạnh việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cũng giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí và sử dụng ít tài nguyên hơn, do đó giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ ba, nông nghiệp xanh, du lịch xanh. Đây là các ngành kinh tế và dịch vụ có tương tác với môi trường và tài nguyên thiên nhiên, không những có thể góp phần giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến môi trường như phát thải khí nhà kính, mà còn có tiềm năng đóng góp tích cực vào việc hấp thụ khí nhà kính và bảo vệ môi trường bền vững hơn.
Thứ tư, giao thông đô thị. Chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng chất đốt (xăng, dầu) sang điện, hoặc phát triển giao thông công cộng để giảm bớt nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân cũng là những lĩnh vực kinh tế xanh có tiềm năng phát triển lớn.
Thứ năm, tiêu dùng bền vững. Xu thế chuyển đổi phong cách tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu suất cao hơn như giảm đồ nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng và tái chế các loại hàng hoá, nguyên liệu là những hoạt động có thể đáp ứng các tiêu chí xanh và do đó sẽ tạo nhu cầu về tài chính xanh.
Bên cạnh những ngành kinh tế xanh có tiềm năng thương mại nói trên (khả năng lợi nhuận cao để thu hút được đầu tư tư nhân), còn những ngành kinh tế xanh quan trọng khác nhưng tiềm năng sinh lợi thấp hơn và cần có chính sách hỗ trợ để có thể thu hút được các nguồn vốn xanh trên thị trường. Chẳng hạn, các ngành bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường v.v. là các hoạt động cấp bách và quan trọng với nền kinh tế xanh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hùng, các ngành hàng này cần có khuôn khổ chính sách hỗ trợ tốt hơn, từ cơ chế tính phí dịch vụ cân đối giữa lợi ích xã hội và bù đắp được chi phí đầu tư vận hành, đến các biện pháp hỗ trợ tài chính hay chia sẻ rủi ro đầu tư để thu hút được đầu tư tư nhân quy mô lớn. Khi thị trường các ngành này sôi động, đây sẽ là cơ hội đáng kể để phát triển tài chính xanh.
Ngoài các dự án trực tiếp đóng góp vào các mục tiêu xanh, các lĩnh vực có đóng góp gián tiếp như giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực công nghệ và chất lượng lao động cho những ngành kinh tế xanh cũng cần được quan tâm. Tuỳ theo các tiêu chí phân loại, các nguồn tài chính cho hoạt động này có những lợi ích xã hội rõ ràng, có thể phát triển thị trường tài chính trách nhiệm và bền vững (responsible, sustainable finance), bên cạnh tài chính xanh./.