Cơ cấu thu ngân sách đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn

(BKTO) - 8 tháng năm 2020 vừa qua, thu ngân sách giảm sâu ở các sắc thuế lớn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, nhìn tổng thể giai đoạn 2016-2019, cơ cấu thu NSNN của ngành thuế đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, đảm bảo chi thường xuyên, trả nợ và một phần chi đầu tư phát triển.




Tăng cường giám sát hồ sơ khai thuế nhằm đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện kịp thời nghĩa vụ thuế đối với NSNN. Ảnh tư liệu

Thu nội địa tăng dần, thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm dần

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết: Thu NSNN trong 4 năm (2016-2019) đạt 5,38 triệu tỷ đồng, bằng 77,3% mục tiêu kế hoạch cả giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tổng thu do cơ quan thuế quản lý (không bao gồm thu từ thoái vốn) đạt 4,35 triệu tỷ đồng, vượt 8,5% dự toán; tăng trưởng thu bình quân 11,8%/năm.

Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, quản lý chặt chẽ công tác đăng ký, kê khai, nộp thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ nợ đọng thuế, ngành thuế đã đạt được nhiều tiến bộ cả về quy mô, tốc độ và cơ cấu thu trong giai đoạn 2016-2019. Cụ thể, quy mô thu ngân sách năm 2019 gấp 1,55 lần so với năm 2015, trong đó, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý gấp 1,56 lần. Tốc độ tăng trưởng thu NSNN bình quân giai đoạn đạt 11,6%/năm, trong đó, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý tăng 11,8%/năm. Tỷ lệ huy động NSNN trên thu nhập bình quân đầu người (GDP) bình quân giai đoạn đạt 25,5% GDP. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí, lệ phí đạt 21,2% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP). Trong giai đoạn này, cơ cấu thu NSNN tiếp tục chuyển biến theo hướng bền vững hơn so với giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng thu nội địa chiếm khoảng 80,9% tổng thu NSNN, thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu (tỷ trọng thu dầu thô trong tổng thu NSNN giảm từ 12,9% của giai đoạn 2011-2015 xuống còn 3,9% giai đoạn 2016-2019; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 17,7% xuống còn 14,6%).

Cũng theo ông Cao Anh Tuấn, dịch Covid-19 đã làm sụt giảm sâu số thu ngân sách trong 8 tháng của năm 2020, đặc biệt là từ tháng 4 đến nay. Cụ thể, trong khi số thu của quý I/2020 đạt 115% so với cùng kỳ thì quý II chỉ còn 76%, tháng 7 là 77% và tháng 8 bằng 84% so với cùng kỳ. Mức sụt giảm diễn ra ở hầu hết địa phương và tập trung vào các khoản thu, các sắc thuế lớn như: thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập DN, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ. Đến hết 8 tháng, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý đạt 752.615 tỷ đồng, bằng 60% dự toán, bằng 91% cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô là 25.481 tỷ đồng, bằng 72% dự toán; thu nội địa là 727.134 tỷ đồng, bằng 59% dự toán. Để bù đắp một phần số hụt thu, cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý. 8 tháng qua, ngành thuế đã thực hiện 41.248 cuộc thanh tra, kiểm tra, thu nộp vào ngân sách 5.918 tỷ đồng; thu 17.515 tỷ đồng nợ thuế, bằng 41% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 2% so với cùng kỳ…

Tiếp tục cải cách toàn diện để hoàn thành các mục tiêu quan trọng

Mới đây, tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá: 5 năm qua, ngành thuế đã nỗ lực cải cách hành chính và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ thu NSNN. Trong đó, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi nhiều sắc thuế, đảm bảo bao quát nguồn thu. Cơ quan thuế các cấp đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi trong quản lý thu thuế.

Cùng với đó, sự thay đổi trong sắp xếp, tổ chức bộ máy đã góp phần đảm bảo cho cơ quan thuế hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác chống thất thu thuế, xây dựng chính sách ngày một hoàn thiện. Cơ cấu thu NSNN dịch chuyển theo hướng bền vững hơn với sự tăng dần về tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo cho chi thường xuyên, trả nợ và một phần chi đầu tư phát triển…

Tuy nhiên, chính sách, công tác quản lý thuế vẫn còn hạn chế như: tính trung lập của thuế chưa đảm bảo, chính sách thuế gánh quá nhiều nhiệm vụ an sinh xã hội, nợ đọng thuế vẫn còn cao, một số nguồn thu từ sản xuất kinh doanh chưa hoàn thành dự toán, công tác giải quyết vướng mắc của người nộp thuế có lúc chưa kịp thời.

Trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và sẽ gây bất lợi cho nhiệm vụ thu NSNN, trong khi đó, nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi lương, kích cầu tăng. 5 năm tới, ngành thuế phải thực hiện mục tiêu huy động NSNN bình quân không thấp hơn 25% GDP, tỷ lệ huy động thu thuế, phí bình quân đạt thấp nhất là 21% GDP, nợ thuế thấp hơn 3% tổng thu NSNN, bội chi NSNN ở mức dưới 4% GDP, nợ công dưới 60% GDP.

Để thực hiện được những mục tiêu này, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành thuế tiếp tục cải cách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng mức độ hài lòng của người nộp thuế. Bên cạnh đó, toàn ngành cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra thuế theo rủi ro, giảm số lượng nhưng tăng chất lượng từng cuộc thanh tra, kiểm tra; đồng thời, xây dựng bộ máy hành chính thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
         
4 tháng cuối năm 2020, ngành thuế phải thu 307.000 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ này, cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ với NSNN, đặc biệt sau thời điểm người dân, DN hết thời gian được gia hạn nộp thuế. Ngành thuế cũng sẽ tập trung phân tích, đánh giá từng khoản thu, từng lĩnh vực để có giải pháp đôn đốc thu phù hợp, hiệu quả, không làm phát sinh nợ thuế và chủ động tham gia các giải pháp về thuế trong dự kiến gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ...

MINH ANH
Cùng chuyên mục
  • Fed giữ nguyên lãi suất: Thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng 17/9 trong ảm đạm
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/9 (giờ địa phương) thông báo duy trì mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục gần bằng 0% hiện nay, đồng thời cam kết duy trì phạm vi mục tiêu này cho đến khi điều kiện thị trường lao động được cải thiện để đạt được việc làm tối đa và lạm phát ở mức mong muốn.
  • Triển vọng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế châu Á bị thu hẹp
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Lần đầu tiên trong gần 6 thập niên qua, tăng trưởng trong năm nay của các nền kinh tế đang phát triển trên khắp châu Á sẽ bị thu hẹp và có thể sẽ được phục hồi vào năm 2021. Báo cáo cập nhật về Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây đã nhấn mạnh điều này. Cho dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là nhiều lạc quan và có thể duy trì được triển vọng tăng trưởng ở mức độ không lớn.
  • Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong bối cảnh ngành năng lượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững, ngày 17/9, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn "Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020". Diễn đàn góp phần thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ để sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, đồng thời chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
  • Ngắt mạch giao dịch chứng khoán: Biện pháp khả thi giúp thị trường vận hành ổn định, an toàn hơn
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có thể ngắt mạch giao dịch khi thị trường quá biến động đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Giới chuyên gia nhận định, biện pháp này là rất cần thiết và hoàn toàn khả thi vì đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.
  • Sửa đổi chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính đã hoàn thiện Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung 3 nghị định về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN, trong đó đề xuất nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ vướng mắc vấn đề này.
Cơ cấu thu ngân sách đã dịch chuyển theo hướng bền vững hơn