Có giải pháp điều hành cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng

(BKTO) - Yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh khi chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023, vừa diễn ra chiều nay (03/3), tại Hà Nội.

01.jpg
Quang cảnh Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt kết quả khả quan

Thông tin tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề cạnh tranh nước lớn.

Trong nước, chúng ta tổ chức nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng, trong đó có các kỳ họp của Trung ương và Quốc hội. Đặc biệt, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - vừa được Quốc hội thống nhất cao bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 nhìn chung tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực:

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1 và tăng 0,97% so với tháng 12/2022.

Thu NSNN tháng 2 đạt 124,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, tăng trên 10,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tháng 2 là 25,9 tỷ USD, lũy kế 2 tháng đạt 49,4 tỷ USD, nhập khẩu 46,2 tỷ USD, xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 5,1% so với tháng 1; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 51,2 điểm so với 47,4 điểm của tháng 1, thể hiện sản xuất có xu hướng phục hồi và mở rộng đơn hàng mới có thể tăng trở lại.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng, an sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, uy tín và vị thế của đất nước tiếp tục được nâng lên. Kịp thời cử 2 đoàn sang cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép về lạm phát còn cao; tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng; lạm phát, cạnh tranh chiến lược, tăng giá dầu, giá khí, an ninh lương thực, an ninh thông tin tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực.

Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp. Việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Số vốn FDI thực hiện giảm. Thị trường vốn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…

Giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn

Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các Bộ ngành, địa phương cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình, có các giải pháp điều hành cân bằng, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động triển khai các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chính sách tiền tệ, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ: Tập trung cho công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách năm 2023, quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, công tác chuẩn bị đầu tư, tăng cường hoạt động của 6 tổ công tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.

Tập trung rà soát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng quy định nhưng không ách tắc.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; trước các vướng mắc thực tiễn, các vấn đề mà cuộc sống đặt ra thì phải ưu tiên giải quyết ngay. Rà soát, có giải pháp phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản…

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế, vấn đề chảy máu chất xám ngành y tế; bài học, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tiến độ điều tra một số vụ án trọng điểm ; phương án chọn môn thi vào lớp 10 của các địa phương; các gói hỗ trợ thị trường bất động sản; tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng; vấn đề bỏ sổ hộ khẩu giấy.../.

Cùng chuyên mục
Có giải pháp điều hành cân bằng giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng