Có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại quy hoạch

(BKTO) - Khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy, Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định biện pháp cơ bản trong phòng cháy; quy hoạch xây dựng, lập dự án thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới…

Sáng 14/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

202405140807560755_dsc_6396.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày Tờ trình Dự án Luât. Ảnh: VPQH

Trình bày Tờ trình Dự án Luật tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, việc xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân…

Việc ban hành Luật cũng hướng đến đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải pháp phòng ngừa, phân công, phân cấp gắn trách nhiệm trong hoạt động PCCC, CNCH ; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.

Liên quan đến quy định về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, CNCH, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu quy định chi tiết hơn phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là những quy định có tính đặc thù, khác với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của công tác này.

“Có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết.

Với hoạt động phòng cháy, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu PCCC đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về PCCC phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào thì phải có giải pháp, thiết kế PCCC.

thanh14.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Điều 13 Dự thảo Luật quy định khi điều chỉnh quy hoạch chung về chức năng, chi tiết đối với đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp, khu chức năng thì phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, có giải pháp thiết kế về PCCC.

“Nội dung này là hết sức cần thiết vì thời gian qua, các khu dân cư khi xảy ra cháy, đường vào bé, không đưa được các phương tiện PCCC vào” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, về kỹ thuật, trong Luật Quy hoạch chưa thấy có quy định về vấn đề này mà Dự thảo Luật lại dẫn chiếu quy định về pháp luật về quy hoạch thì không thực hiện được. Do đó, phải thiết kế quy định riêng về vấn đề này. Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn cũng chưa có quy định về nội dung này nên thời gian qua, công tác PCCC của chúng ta còn có vấn đề. Vì vậy, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nội dung này.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, hầu hết các dự án công trình đều có yêu cầu về PCCC, trong đó có các công trình nhà ở dân sinh. Tuy nhiên, tại các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, còn rất nhiều công trình dân sinh không thể đảm bảo tiêu chí giải pháp thiết kế PCCC như quy định tại Dự thảo Luật.

“Cần có giải pháp đạt hiệu quả tốt nhất tại Dự thảo Luật để giải quyết những vấn đề về thiết kế PCCC đối với hệ thống công trình xây dựng dân sinh đang tồn tại, tránh trường hợp người dân khi xây dựng mới, cải tạo nhà ở gặp khó khăn khi xin cấp phép xây dựng, vướng yêu cầu không có khả năng thực hiện được quy định tại Dự thảo Luật” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị.

Đối với quy định về PCCC đối với nhà ở, khoản 2, Điều 17 Dự thảo Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều này và phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, hiện nay, nhà ở kết hợp kinh doanh ngày càng phổ biến nên việc quy định điều kiện đảm bảo an toàn đối với loại hình nhà ở này là cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn quy định chung chung, chưa rõ giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh là gì, có phù hợp với nhà ở kết hợp với kinh doanh. Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, nếu chưa có quy định cụ thể tại Dự thảo Luật thì cần giao Chính phủ quy định nội dung này, tránh việc tùy nghi, không đảm bảo khi thực hiện Luật.

Dự án Luật PCCC và CNCH sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Cùng chuyên mục
Có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại quy hoạch