Cơ hội để gạo Việt mở rộng thị phần, khẳng định giá trị thương hiệu

(BKTO) - Việc nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn hạn chế xuất khẩu như Ấn Độ, Nga… là thời cơ cho gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu với giá trị, chất lượng cao. Để tận dụng tốt cơ hội này, hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, ngành nông nghiệp cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình hình trước mắt, cũng như đảm bảo tính bền vững cho xuất khẩu gạo trong tương lai…

1-2-1663749338743519077468-1664330197534586976009.jpeg
Giá gạo tăng cao, nhu cầu lớn là cơ hội để gạo Việt mở rộng thị phần, khẳng định giá trị thương hiệu. Ảnh: Báo Chính phủ

Cơ hội vàng cho gạo Việt…

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện đã đạt trên 600 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng hơn 80 USD/tấn so với tháng trước.

Nhìn chung, giá thóc gạo hàng hóa của người dân luôn cao hơn so với giá định hướng do Bộ Tài chính công bố và hiện chỉ còn thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan chưa đến 10 USD/tấn... 

Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo... 

Ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đây là những thông tin vui đối với gạo Việt, trong bối cảnh nhiều ngành hàng nông, lâm, thủy sản đều giảm giá trị xuất khẩu thời gian qua, đe dọa mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Phân tích cụ thể về tình hình thị trường xuất khẩu hiện nay, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo dự báo, giá gạo thế giới có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. "Với đà này, ngành gạo có thể hoàn thành sớm mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD năm nay" - ông Tiệp cho biết. 

Nhận định thị trường đang rất thuận lợi cho các doanh nghiệp lúa gạo, đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng, sự vào cuộc năng động của doanh nghiệp sẽ giúp thúc đẩy mở rộng thị phần gạo Việt trên các thị trường truyền thống và mở ra các thị trường mới.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội cũng nêu thực trạng, giá gạo tăng cao cũng khiến một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó, nhưng không đủ nguồn gạo xuất khẩu mà phải mua bổ sung đợt này chắc chắn sẽ bị lỗ, do giá mua cao.

Do đó, doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng, người trồng chia sẻ, tìm cách tháo gỡ, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, của gạo Việt với đối tác quốc tế.

Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, trong đó nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân theo quy định của pháp luật.

dv5.jpg
Giá thóc, gạo tăng cao giúp cải thiện mức thu nhập cho người nông dân. Ảnh: N.Lộc

Về lâu dài, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó sẽ quy định rõ về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa…, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích chính đáng của người trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

“Trước mắt, Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành sẽ tập trung nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu gạo” - ông Tiến cho biết.

Định hướng phát triển bền vững cho xuất khẩu gạo Việt

Dù gạo Việt luôn nằm trong top đầu các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, song so với nhiều quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ..., gạo Việt Nam vẫn chịu thua thiệt về giá; gạo Việt cũng mới tập trung ở các thị trường truyền thống...

Do đó, tận dụng thời cơ để xuất khẩu gạo, mang lại nguồn thu ngoại tệ, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các ngành chức năng cần coi đây là dịp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đảm bảo vùng trồng, thúc đẩy sản xuất an toàn cũng như chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững hơn trong tương lai.

Theo đó, ngành gạo cần tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao...

Đặc biệt, “cần rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế; đảm bảo tốt công tác hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc…, không thể vì giá cao mà làm ăn chộp giật, gây ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt” - ông Tiệp cho biết.

dscn2511.jpg
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng diện tích sản xuất lúa, đảm bảo nguồn lương thực trong nước cũng như xuất khẩu.
Ảnh: N.Lộc

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Lan Hương (chuyên gia của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc) cũng lưu ý, để gạo Việt đến với thế giới trở nên bền vững, các ngành chức năng, người trồng cần chú trọng sản xuất an toàn, sản xuất sạch. “Đến nay, đây vẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến nông sản nước ta chưa thâm nhập được vào phân khúc thị trường có yêu cầu chất lượng cao với giá bán cao” - TS. Hương cho biết.

Bên cạnh đó, ngành gạo cần phải chủ động được vùng nguyên liệu để: đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu (theo Chỉ thị số 24/CT-TTg). 

Hiện, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng diện tích gieo trồng, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích gieo trồng lúa vụ Thu Đông năm nay đạt khoảng 700 nghìn hécta, tăng 50 nghìn hécta so với năm trước; sản lượng dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn thóc. Bộ cũng đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung hoàn thiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính…

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, trước tình hình biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu cho ra những giống lúa có khả năng thích ứng với những điều kiện đó, để bảo đảm duy trì được diện tích và sản lượng. “Như vậy mới có nguồn cung đáp ứng các hợp đồng mà chúng ta ký kết và cũng tạo dựng niềm tin của ngành hàng lúa gạo Việt Nam đối với thế giới” - ông Cường thông tin.

Cùng chuyên mục
Cơ hội để gạo Việt mở rộng thị phần, khẳng định giá trị thương hiệu