Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần giải pháp quyết liệt, đột phá hơn

(BKTO) - Theo Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính: Trong năm 2019, có 9 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH); trong đó chỉ có 3 đơn vị thuộc Danh mục Doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.



Từ năm 2016 tới nay, mới có 168 DNNN được phê duyệt phương án CPH, trong đó, chỉ có 36 đơn vị thuộc Danh mục Doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, tức là chỉ đạt 28% kế hoạch. Để hoàn thành kế hoạch năm 2020, Hà Nội phải CPH 13 DN, trong đó có 4 tổng công ty, chiếm 14% tổng số DN phải CPH của cả nước; TP. HCM phải CPH 38 DN, trong đó có 11 tổng công ty, chiếm 40% tổng số DN; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phải CPH 3 tập đoàn và 3 tổng công ty; Bộ Công Thương phải CPH 3 tổng công ty; Bộ Xây dựng phải CPH 2 tổng công ty. Với tiến độ trì trệ như vậy, cả nước sẽ khó hoàn thành kế hoạch năm 2020 về CPH 92 DNNN.

Tương tự, kế hoạch thoái vốn trong giai đoạn 2017-2020 (60.000 tỷ đồng) theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg cũng khó khả thi, do năm 2019 chỉ thoái được 896 tỷ đồng tại 13 DN và lũy kế từ năm 2017 đến nay mới thoái được 4.704 tỷ đồng vốn nhà nước tại 92 DN, tức là mới đạt 7,8% kế hoạch.

Việc chậm CPH DNNN có nhiều lý do chủ quan như một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước. Ngoài ra, quá trình CPH những DNNN nằm trong Danh mục hầu hết đều có quy mô lớn, hoạt động nhiều ngành nghề, nhiều địa bàn, tài sản lớn, quản lý và sử dụng nhiều diện tích đất đai ở nhiều địa bàn khác nhau, nhiều tài sản đa dạng, như: Agribank, VNPT, Mobifone, Vinacomin, TKV… Điều này không chỉ cần “quyết tâm chính trị” và không thể làm theo cách của các DN nhỏ trước đây mà còn phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản; khâu chuẩn bị phải mất 1 - 2 năm, thậm chí nhiều hơn. Việc xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định cũng dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH. Hơn nữa, thời gian vừa qua, hàng loạt chính sách, cơ chế được ban hành đưa ra rất nhiều quy định chặt chẽ để chống thất thoát vốn, tài sản nhà nước khi CPH. Việc đẩy mạnh chống tham nhũng cũng khiến những người có trách nhiệm ở các cấp, các Bộ, ngành, địa phương và ban lãnh đạo DN có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, né việc, không triển khai kế hoạch CPH và thoái vốn…

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải rà soát lại Danh mục CPH, điều chỉnh lại tiến độ và chỉ lập phương án CPH khi tất cả các vấn đề liên quan, như: tài sản, đất đai, công nợ, đặc biệt là đất đai đã rõ ràng…
Dẫu vậy, công luận đòi hỏi cần đánh giá rõ hệ lụy chậm CPH DNNN và thực hiện xử lý trách nhiệm theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn DNNN.

Thực tế cho thấy, qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, các DNNN đã giảm số lượng từ hơn 12.000 DN vào đầu những năm 90 xuống còn hơn 500 DN 100% vốn nhà nước trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế hiện nay. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.

Các DN 100% vốn nhà nước đang được giao quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN còn chậm, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Vai trò của DNNN đối với nền kinh tế tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VII. Theo đó, DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Thời gian tới, CPH và thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN... Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian tới đặt ra vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt, đột phá hơn để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 12-NQ/TW.

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Triển vọng kinh tế số ở Việt Nam
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT - hạt nhân của chuyển đổi số - sẽ góp phần đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình.
  • Đằng sau rủi ro đầu tư  bất động sản nghỉ dưỡng
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Thông cáo báo chí về tình hình đầu tư xây dựng căn hộ khách sạn (condotel) trên địa bàn Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng của ngày 29/11/2019, trong 2 năm 2016 và 2017, Sở đã cấp phép xây dựng 6 dự án căn hộ khách sạn với tổng cộng 7.590 condotel và đã cho phép chuyển đổi 1.969 condotel thành chung cư trong Dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng) thuộc quận Ngũ Hành Sơn.
  • Phát triển tín dụng xanh
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, hàng loạt khái niệm gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã ra đời như: kinh tế xanh, tài chính xanh, thuế xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Tín dụng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tốc độ phát triển ấn tượng.
  • Kinh tế ban đêm - “Cửa sáng” cho ngành dịch vụ Việt
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm…
  • Phát triển thị trường tài chính miền núi
    5 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thị trường miền núi nước ta bao gồm các tỉnh miền núi phía Bắc (14 tỉnh thuộc nhóm trung du và miền núi phía Bắc theo phân nhóm của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 5 tỉnh Tây Nguyên). Theo đó, thị trường tài chính miền núi được hiểu là nơi gặp gỡ giữa người có nguồn lực tài chính và người có nhu cầu sử dụng nguồn lực tài chính đó trên địa bàn các tỉnh miền núi. Thị trường tài chính bao gồm: thị trường tín dụng ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), thị trường bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế các tỉnh miền núi hầu như không phát triển hai loại thị trường sau.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần giải pháp quyết liệt, đột phá hơn