Theo Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố ngày 03/10, tại TP. HCM, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Theo thống kê, năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet. Giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông tăng đều đặn hằng năm… đã tạo ra nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cấp phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone...
Theo mục tiêu kế hoạch, ngành bưu chính trong nền kinh tế số sẽ phát triển theo hướng thương mại điện tử, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt; xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ, hoàn thiện đề án cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính... Hạ tầng viễn thông sẽ được chuyển thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua giảm cước kết nối thoại; phổ cập điện thoại thông minh, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình tắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm mobile money; xử lý các vấn nạn rác viễn thông... Cùng với việc tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ ban hành các khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Nghị định về đầu tư và thuê công nghệ thông tin; xây dựng các nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Đặc biệt, trong công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển DN công nghệ Việt Nam, về "Make in Vietnam". Theo đó, sẽ thúc đẩy phát triển các loại DN, gồm DN thương mại, dịch vụ chuyển sang làm công nghệ, công nghiệp.
Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Việt Nam hướng đến mục tiêu đến năm 2025: duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.
Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030: duy trì xếp hạng về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP; hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Việt Nam cần thực hiện nhiều đổi mới nhận thức, pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành hệ thống hạ tầng CNTT và viễn thông, cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên thông; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực các ngành và công nghệ ưu tiên, tăng cường hội nhập quốc tế…
Việt Nam cần coi kinh tế số là một trụ cột và chỉ có dựa vào kinh tế số, chuyển đổi số chúng ta mới đảm bảo được quá trình phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực.
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế