Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ sẵn sàng để thực hiện giao dịch điện tử mở rộng

(BKTO) - “Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hiện nay đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn tin cậy” – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội về việc mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử trong đời sống xã hội.

060420231039-z4241857105671_50438da8e30ca231b3c0bd8ea0d12d1d.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Sáng 06/4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Cơ bản tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận làm rõ một số nội dung về phạm vi áp dụng, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy…

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và không áp dụng một số trường hợp loại trừ.

Một số ý kiến tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi. Có ý kiến đề nghị nên hạn chế phạm vi điều chỉnh mở rộng đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể, rõ ràng các giao dịch điện tử trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh…

Ông Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh tại Dự thảo Luật do Chính phủ trình. Bởi thực tiễn Việt Nam cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện nay đã được triển khai giao dịch điện tử một phần như: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn đã có dịch vụ công trực tuyến tại nhiều địa phương…

Các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ, ngành, địa phương cung cấp đang được tích cực triển khai theo hướng khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình).

Hơn nữa, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam (Indonesia, Philippines…) và một số quốc gia khác cũng không hạn chế phạm vi điều chỉnh trong luật…

Theo đó, Điều 1 Dự thảo Luật đã được chỉnh lý như sau: Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp Luật khác không quy định thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, đối tượng điều chỉnh quy định trong Dự thảo Luật còn quá rộng nhưng lại hạn chế phạm vi tại luật chuyên ngành quy định là rất khó khả thi. Thực tế hiện nay, chỉ một số lĩnh vực, thủ tục đã được thực hiện giao dịch điện tử; nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ, thiếu pháp lý chuyên ngành, con người trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu kiến nghị cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật; đồng thời cần thí điểm một số lĩnh vực trước khi đưa vào luật chuyên ngành. Trường hợp luật chuyên ngành không quy định giao dịch bằng phương thức điện tử như quy định tại Điều 1 thì trong Điều 2 cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp áp dụng và các trường hợp loại trừ ngay trong đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm đảm bảo tính khả thi, bao quát trong thực tiễn...

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) khẳng định Dự án Luật là một trong những nền tảng quan trọng để đạt được mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra, là một trong những động lực để phát triển đất nước. Vì vậy, đại biểu đồng tình với phạm vi điều chỉnh như báo cáo giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc tính khả thi của những quy định trong Dự thảo Luật. Theo đại biểu, điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để đi vào thực tiễn, đặc biệt là sẽ thuận tiện, không phát sinh thủ tục, không phát sinh các chi phí về bộ máy, chi phí về con người, chi phí về thiết bị...

“Chúng ta đặt ra rất nhiều các phần mềm, các app, rất nhiều tài khoản khác nhau thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, của công dân nên tôi đề nghị chúng ta cũng phải rà soát lại” – đại biểu lưu ý.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hiện nay đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn tin cậy”. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để có thể thực hiện giao dịch điện tử mở rộng như: quy định về dữ liệu, chứng minh điện tử, dịch vụ tin cậy…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan cũng cơ bản được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện có thể thực hiện giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, khá nhiều lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thực tế đã được triển khai giao dịch điện tử một phần hoặc toàn bộ như đăng kí khai sinh, đăng ký kết hôn, phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị mở rộng phạm vi như trong Dự thảo Luật, mở ra công cuộc chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, toàn dân và toàn diện.

Cùng chuyên mục
  • Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Cần quy định chặt chẽ về thẩm định giá
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 06/4, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ để kiểm soát công tác thẩm định giá, bảo đảm chất lượng thẩm định giá…
  • Luật hóa để giải quyết các vướng mắc về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được chỉnh lý nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
  • Cần các chính sách đặc thù hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Với đặc thù là loại hình hợp tác xã dễ chịu nhiều rủi ro, đóng vai trò là trung gian hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh và tham gia thị trường…, đại biểu Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần bổ sung các quy định nhằm hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển và phát huy được vai trò của mình.
  • Hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (diễn ra sáng 05/4) bổ sung quy định hợp tác xã (HTX) được thành lập doanh nghiệp theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên…
  • Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
    một năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 05/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ sẵn sàng để thực hiện giao dịch điện tử mở rộng