Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo kết quả điều tra, Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và những hệ lụy có liên quan đang là rủi ro lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp lớn Việt Nam. Có tới 63,3% ý kiến đánh giá cho rằng những sự bất khả đoán từ căng thẳng địa chính trị đã và đang gây những khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh rủi ro từ môi trường quốc tế, những khó khăn nội tại như thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, thủ tục hành chính phức tạp và chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu là những mối bận tâm lớn nhất của doanh nghiệp giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đánh giá về tổng thể về tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, 48,3% doanh nghiệp đánh giá ổn định, 41,4% doanh nghiệp nhận định tốt lên và 10,3% báo cáo kết quả giảm.
Top 5 rào cản, thách thức ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2018 |
Kết quả này được đánh giá trong bối cảnh năm 2018, Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng chỉ số thương mại bền vững (trong 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ), nằm trong các nước được đánh giá cao về mức độ mở cửa thị trường. Đặc biệt, việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới đây đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ phía các doanh nghiệp. Không chỉ mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa- dịch vụ- đầu tư, tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp hưởng lợi thuế quan, CPTPP còn hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao nội lực, đẩy mạnh các quy chuẩn như sở hữu trí tuệ, đồng thời giải quyết tranh chấp và phòng vệ thương mại.
Đầu tư cho công nghệ còn hạn chế
Nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách nhận định rằng, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế thông qua CPTPP cùng với làn sóng chuyển đổi công nghệ giúp sẽ Việt Nam trở thành một địa chỉ hấp dẫn về đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị năng lực đầy đủ để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ ứng dụng công nghệ số trong các mảng tài chính/kế toán, bán hàng, sản xuất, nghiên cứu và phát triển với tỉ lệ trung bình khoảng 71,2% doanh nghiệp đang ứng dụng; trong khi đó các mảng về dịch vụ, logistics chưa nhận được nhiều chú trọng của doanh nghiệp (tỷ lệ ứng dụng trung bình xấp xỉ 35%).
Thách thức được chỉ ra là doanh nghiệp không đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời đại kĩ thuật số. Gần 70% doanh nghiệp phản hồi khảo sát cho rằng đây là rào cản lớn nhất, cấp bách nhất sau khi xem xét quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ thực tiễn tại doanh nghiệp. Đánh giá về kỹ năng nhân viên trong thời đại số, doanh nghiệp nhận định khả năng sử dụng công nghệ tự động hóa, khả năng phân tích dữ liệu, tư duy hệ thống là các kĩ năng người lao động nói chung còn yếu, tương ứng với 35,7%, 21,7%, 17,9% phản hồi của doanh nghiệp.
Định hướng đầu tư của doanh nghiệp cho các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất kinh doanh (Đơn vị: %) |
Tuy vậy, kết quả phản hồi cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp lớn đầu tư cho các công nghệ tiên tiến còn thấp, hiện tại có gần 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa đầu tư cho bất kì công nghệ 4.0 nào.
Mặc dù bức tranh kinh tế giai đoạn tới được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tăng trưởng khá, nhưng nhiều doanh nghiệp thể hiện sự dè dặt trong dự báo triển vọng kinh doanh. Có tới 50% doanh nghiệp dự báo kết quả sản xuất kinh doanh đầu năm 2019 sẽ chỉ ở mức cơ bản ổn định, trong đó 37% cho rằng chi phí sẽ tăng lên và 18,5% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm. |
PHÚC KHANG