Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng phát triển

(BKTO) - Nhận định về thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) của Việt Nam tại buổi họp báo về Triển lãm quốc tế VIETBUILD lần thứ 3 vừa diễn ra, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng: Thị trường BĐS đang có tốc độ phát triển chững lại và một trong những giải pháp đối với các công ty trong ngành VLXD Việt Nam là đẩy mạnh công tác marketing - tiếp thị.



Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tìm đường xuất khẩu

Hiện nay, ngành VLXD của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Lối thoát cho ngành này hiện nay là con đường xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam mới xuất khẩu được một số mặt hàng như: gạch ceramic, kính…, còn những sản phẩm như gạch không nung và các nguyên vật liệu trang trí nội ngoại thất... vẫn đang gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được đường xuất khẩu.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thị trường VLXD đang có xu hướng chững lại, ông Nguyễn Trần Nam chỉ rõ: Thứ nhất là công suất sản xuất tăng rất mạnh ở các loại vật liệu chính, nhìn rõ nhất là vật liệu xi măng, trước việc rà soát lại quy hoạch, nhiều công ty đang có xu hướng mở rộng dây chuyền 2, xu hướng xuất khẩu xi măng cũng tăng mạnh.

Thứ hai là tiêu thụ giảm mạnh do liên quan đến BĐS. Cụ thể, thị trường BĐS từ năm 2014 đến 2018 liên tục phát triển tốt, giá cả ổn định, chỉ tăng khoảng 3 - 5%, hàng hóa tăng do cầu mạnh. Các DN trước khi thực hiện dự án đều nghiên cứu kỹ về thị trường, diện tích nhà vừa và nhỏ, đáp ứng nhu cầu thực thay vì xây tập trung vào căn hộ diện tích lớn như trước đây. Bên cạnh đó, 2 năm nay, sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng gần như phát triển nóng. Hơn nữa, lượng khách du lịch không ngừng tăng cả trong nước và ngoài nước đã làm rộ lên các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, BĐS cũng là một kênh đầu tư an toàn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Tuy nhiên, từ năm 2017, Chính phủ thực hiện “rà phanh” đề phòng xảy ra bong bóng, trong đó có siết cho vay tín dụng ngành BĐS. Thị trường BĐS có xu hướng tăng chậm lại so với thời gian trước đó đã phần nào ảnh hưởng đến ngành VLXD. Do đó, lối thoát cho các DN sản xuất VLXD không có cách nào khác ngoài giải pháp tiêu thụ trong nước và tìm đường xuất khẩu. Điều này cũng yêu cầu các công ty trong ngành VLXD Việt Nam cần đẩy mạnh công tác marketing, tiếp thị - ông Nam nhấn mạnh.

Tạo nhiều cơ hội phát triển cho ngành vật liệu xây dựng

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc các DN sản xuất VLXD phải tự xây dựng chiến lược kinh doanh của mình trong bối cảnh khó khăn, các cơ quan chức năng cũng cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, những cơ hội giúp DN có thể tìm hiểu, nắm bắt để phát triển thị trường.
Đơn cử, ngày 23 - 27/11 vừa qua, Triển lãm VIETBUILD Hà Nội lần thứ 3 năm 2018 với chủ đề BĐS - Trang trí nội, ngoại thất - Kiến trúc - Xây dựng và VLXD cũng đã được tổ chức và được nhiều DN tích cực hưởng ứng. Triển lãm đã thu hút 450 DN tham gia với khoảng 1.600 gian hàng thuộc các lĩnh vực: Bất động sản - Trang trí nội, ngoại thất - Kiến trúc - Xây dựng và VLXD. Trong đó, 273 DN trong nước, 108 DN liên doanh, 60 DN nước ngoài.

Theo các chuyên gia, những sự kiện như Triển lãm VIETBUILD không chỉ là cơ hội để DN giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện để các DN trong và ngoài nước cũng như khách hàng tìm hiểu, chia sẻ thông tin, mở rộng xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển, thông qua những hoạt động, sự kiện khác như: Diễn đàn DN, Hội nghị khách hàng, chương trình giao lưu, hội thảo.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng: Triển lãm VIETBUILD đã đuợc các DN lớn trong ngành BĐS, kiến trúc, trang trí nội ngoại thất, xây dựng và VLXD tích cực tham gia. Điều này thể hiện tính hội nhập mạnh mẽ của các DN trong và ngoài nước tại thị trường Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN cùng tìm hiểu, trao đổi, ký kết hợp đồng.

Về phía cơ quản quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, đồng thời bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trong tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh, thực hiện phân cấp nhiều nhiều nhiệm vụ về địa phương thực hiện. Đây được coi là những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành xây dựng.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 29-11-2018
Cùng chuyên mục
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng phát triển