Thưa ông, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã quy định về vai trò và trách nhiệm của KTNN trong PCTN. Ông có bình luận gì về cơ sở pháp lý để đảm bảo cho KTNN thực hiện nhiệm vụ này?
- KTNN cùng với hệ thống cơ quan thanh tra được kỳ vọng là những chủ thể vô cùng quan trọng trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Luật PCTN năm 2018 quy định đây là hai chủ thể chính có nhiệm vụ phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, pháp luật cũng quy định khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm (trong đó có tội phạm tham nhũng), cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay vụ việc này đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định; trường hợp hành vi tham nhũng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì phải kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định.
Cùng với đó, Luật PCTN năm 2018 đã bổ sung một số quy định giao thẩm quyền cho KTNN, Thanh tra Nhà nước trong kiểm toán, thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các cơ quan, tổ chức, đơn vị... Những quy định mới này cũng đã được bổ sung trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng trong công tác PCTN qua hoạt động kiểm toán, pháp luật cũng quy định, ở góc độ nội ngành, KTNN có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, như: công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động; ban hành danh mục vị trí việc làm và thực hiện chuyển đổi vị trí việc làm; ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng, ban hành và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện việc cải cách hành chính, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn công tác trong KTNN…
Với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công thì pháp luật giao cho cơ quan này nhiệm vụ phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán và kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là phù hợp. Nhìn chung, các quy định của hai Luật trên cơ bản đã đủ hành lang pháp lý cho KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ PCTN.
Vậy KTNN cần chuẩn bị những điều kiện gì để có thể thực hiện tốt các quy định trên, thưa ông?
- Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ PCTN theo quy định, KTNN cần thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, các quy định của Luật PCTN về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN cần được cụ thể hóa và phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, kiểm toán viên để hiểu và thực hiện thống nhất, đầy đủ.
Thứ hai, việc thực hiện quy định của pháp luật trong kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng - chức năng mới của KTNN - đòi hỏi kiểm toán viên phải có kỹ năng, nghiệp vụ nhất định mới có thể làm rõ được các “dấu hiệu tham nhũng”. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng trong kiểm toán, kiểm tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cho kiểm toán viên là rất quan trọng và cần được thực hiện sớm.
Thứ ba, nhiều quy định mới của Luật PCTN, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN cần được Ngành sớm triển khai trong nội bộ, như: thực hiện nghiêm các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp; xây dựng vị trí công tác phải chuyển đổi nhằm phòng ngừa tham nhũng; triển khai các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách…
Ngoài ra, các quy định của Luật PCTN và Bộ luật Tố tụng hình sự về việc chuyển và kiến nghị khởi tố đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm nói chung, dấu hiệu tội phạm tham nhũng nói riêng cần được KTNN triển khai thực hiện đồng bộ. Điều này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của KTNN trong phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán cũng như việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và kiến nghị khởi tố nếu nhận thấy có dấu hiệu tội phạm qua kiểm toán.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là việc công khai báo cáo kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng, việc công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng không chỉ trong PCTN mà còn nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, thu hút đầu tư, phát huy quyền làm chủ và quyền giám sát của nhân dân. Báo cáo kiểm toán có tác dụng như là một biện pháp “kỷ luật mềm” đối với đơn vị được kiểm toán, bởi vì, đôi khi, sự phản ứng của dư luận, người dân, DN đối với những vi phạm, tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân có sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công còn hiệu quả hơn nhiều so với các chế tài pháp luật quy định.
Do đó, công khai báo cáo kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là hết sức cần thiết. Hoạt động này sẽ có nhiều tác dụng tích cực với đối tượng được kiểm toán, thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận, thụ lý để giải quyết tiếp theo và cũng là để minh bạch với công chúng về hoạt động của chính KTNN. Tuy nhiên, việc công khai như thế nào cho phù hợp còn phụ thuộc vào nội dung, phạm vi kiểm toán và cần căn cứ vào các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
r Ông kỳ vọng như thế nào về việc triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, đặc biệt là việc kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của KTNN?
- Trong quá trình sửa đổi Luật PCTN, Quốc hội đánh giá cao hiệu quả hoạt động của KTNN trong PCTN và đặt nhiều kỳ vọng cơ quan này cùng với Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra các cấp sẽ là những chủ thể góp phần quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo quy định; phát hiện sơ hở, thiếu sót trong chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi kịp thời… từ đó bảo đảm đủ cơ chế để cán bộ, công chức không dám và không thể tham nhũng.
Đồng thời, bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ của mình, cùng với cơ quan thanh tra, KTNN sẽ làm tốt chức năng, nhiệm vụ mới được pháp luật giao cho là “thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng”, qua đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định để bảo đảm việc xử lý tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
LƯU HƯỜNG (thực hiện)