Xu hướng phát triển đô thị thiếu bền vững
Theo KTNN, giai đoạn 2017-2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP.Đà Nẵng cơ bản đảm bảo theo chương trình phát triển đô thị. Qua đó đã mang lại cho Thành phố những đổi thay rõ rệt trong phát triển đô thị với việc có thêm nhiều tòa nhà cao tầng, hình thành nhiều khu đô thị mới, các khu nhà ở công nhân, khai thác hiệu quả các khu du lịch trọng điểm của Thành phố.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong quản lý đô thị của TP.Đà Nẵng giai đoạn này.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, UBND TP.Đà Nẵng chưa phân cấp về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và đồ án quy hoạch (bao gồm quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết) cho UBND các quận, huyện là chưa tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Đồ án Quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013. Trên cơ sở Quy hoạch chung đã được phê duyệt, giai đoạn 2017-2020, TP.Đà Nẵng đã triển khai lập và phê duyệt 07 đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) và 686 đồ án quy hoạch chi tiết (kể cả điều chỉnh).
Về tình hình thực hiện Chương trình phát triển đô thị, kết quả kiểm toán cho thấy, hiện tại, những không gian xanh đô thị hầu hết nằm dọc theo sông Hàn. Phần lớn các không gian mở hiện có là các khu vực bảo tồn rừng và những khu mặt nước mà người dân khó tiếp cận; thiếu không gian xanh trong các khu vực phát triển để góp phần tăng chất lượng sống của cư dân. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2021) đất cây xanh công cộng cấp đô thị mới đạt 2,53m2/người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 6-8m2/người theo Chương trình Phát triển đô thị.
Tương tự, diện tích đất giao thông tính trên đầu người các quận mới chỉ đạt từ 3,51-6,42m2/người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 19-21m2/người theo Chương Phát triển đô thị giai đoạn 2018-2025; một số dự án giao thông trọng điểm chưa triển khai hoặc triển khai còn chậm.
Theo Quy hoạch chung, đến năm 2020, đất xây dựng đô thị khoảng 20.010ha, trong đó đất dân dụng khoảng 8.659ha. Đến thời điểm kiểm toán, quy mô đô thị gần đạt dự báo với việc phát triển hơn 18.396ha đất xây dựng đô thị và 8.191ha đất dân dụng. Trong đó, đất ở đô thị định hướng 5.002ha, đã phát triển 7.686ha, tăng hơn dự báo 2.684ha, trong khi đó dân số thực tế đến năm 2020 là dưới 1,3 triệu người, giảm so với dự báo.
“Việc phát triển đô thị trong thời gian vừa qua tập trung chính ở đất đơn vị ở, trong khi các loại đất hạ tầng xã hội phát triển chưa đồng bộ, dẫn đến một số chỉ tiêu không đạt theo Quy chuẩn. Tại các dự án khu đô thị mới, chủ yếu là nhà ở chia lô liền kề, các lô đất quy hoạch làm các công trình thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng chiếm tỷ lệ không đáng kể, dẫn đến hình thành các khu đô thị thấp tầng, hệ số sử dụng đất trung bình và thấp là xu hướng phát triển không bền vững về lâu dài” - KTNN chỉ rõ.
Phê duyệt đồ án quy hoạch chưa gắn với chỉ tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật
Qua kiểm toán 05 đồ án QHPK cho thấy, có 03/05 đồ án QHPK xác định các thành phần sử dụng đất còn thiếu so với diện tích theo chỉ tiêu quy định như: đất cây xanh công viên, thể dục thể thao thành phố, đất cây xanh., đất trường tiểu học… nguyên nhân phần lớn là do hiện trạng đã có trước khi lập QHPK. Trong khi các dự án phát triển đô thị mới được phê duyệt chỉ đảm bảo các chỉ tiêu cho chính các đồ án này, vì vậy, trong tương lai, vấn đề thiếu hụt các chỉ tiêu trên so với quy chuẩn chưa khắc phục được.
Cũng theo kết quả kiểm toán, chất lượng lập cả 05/05 QHPK còn hạn chế: lập đồ án QHPK thiếu các bản vẽ theo quy định, không có quy định quản lý theo đồ án QHPK đô thị, điều chỉnh cục bộ QHPK nhưng chưa thuyết minh hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh, QHPK chưa điều chỉnh cục bộ trước khi phê duyệt quy hoạch chi tiết (QHCT), đồ án QHPK chưa phù hợp quy hoạch chung.
Kiểm toán 40 đồ án QHCT, KTNN phát hiện, 9/40 đồ án điều chỉnh chủ yếu là điều chỉnh tăng diện tích đất ở, tăng số lô đất, tăng chiều cao, mật độ xây dựng, tăng diện tích sàn xây dựng trong khi không tăng tương ứng các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, nhất là diện tích cây xanh, bãi đỗ xe. Việc điều chỉnh không nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, 12/40 đồ án phê duyệt chưa đảm bảo theo QCVN 01:2008/BXD; hầu hết các đồ án quy hoạch các khu dự án phát triển đô thị mới đều không lập hồ sơ trình thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy theo quy định. 15/40 đồ án QHCT không bố trí hoặc bố trí chưa đầy đủ theo quy định các chỉ tiêu như: không gian nhà sinh hoạt cộng đồng, trường tiểu học, trung học cơ sở, trường mẫu giáo, bệnh viện, chợ, cây xanh, sân tập thể dục thể thao.
Hầu hết các đồ án QHCT đều chưa hoàn thành đầu tư các công trình hạ tầng xã hội. Đơn cử như tại Đồ án Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân, hiện nay ngoài một số trường mẫu giáo, khu thể dục thể thao, các công trình còn lại đều chưa được đầu tư để phục vụ cư dân tại đây.
Trong công tác quản lý và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch, theo KTNN, có 03 dự án có điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, mục đích sử dụng đất nhưng không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm là không đủ căn cứ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.
Cùng với đó, 15 dự án phải xác định lại nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) do việc điều chỉnh QHCT đã làm thay đổi cơ cấu, thành phần sử dụng đất, hệ số sử dụng đất nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho UBND TP.Đà Nẵng ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc quyết định phê duyệt giá đất do điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở xác định lại nghĩa vụ với NSNN./.