Cần ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, bảo vệ môi trường

(BKTO) - Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nhưng vẫn chưa tham mưu xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường hằng năm và 5 năm; cũng như quy chế phối hợp trong công tác quản lý và BVMT trên địa bàn tỉnh.

t5.jpg
KTNN đã thực hiện kiểm toán Chuyên đề Hoạt động quản lý môi trường tại Ban quản lý các khu kinh tế và KCN giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh minh họa

Đó là kết luận của Kiểm toán nhà nước (KTNN) sau khi thực hiện kiểm toán Chuyên đề Hoạt động quản lý môi trường tại Ban quản lý các khu kinh tế và KCN giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thiếu một số văn bản quan trọng phục vụ công tác quản lý

Cụ thể, KTNN đánh giá, các cơ quan được giao quản lý về công tác BVMT đã đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở thực hiện quy định về BVMT, công tác tuyên truyền, triển khai các văn bản, quy định, kế hoạch về BVMT được thực hiện tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, Sở TNMT chưa tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường hằng năm và 5 năm theo quy định của Luật BVMT.

Ban quản lý các KCN đã lập Dự thảo nhưng chưa hoàn thiện trình UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý và BVMT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Do đó, KTNN kết luận, các cơ quan được giao nhiệm vụ chưa tham mưu kịp thời để ban hành 2 văn bản thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh đối với công tác quản lý môi trường. Việc thiếu các văn bản này, nhất là thiếu quy chế phối hợp trong công tác quản lý và BVMT đã dẫn đến nhiều bất cập trong công tác BVMT của tỉnh.

Trong giai đoạn 2017-2020, Sở TNMT đã tiếp nhận và giải quyết 78 ý kiến của cử tri, đơn tố cáo về lĩnh vực môi trường, đã xác minh và ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở, báo cáo Hội đồng nhân dân, UBND xử lý theo quy định.

Cũng trong giai đoạn này, công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn đã phát hiện nhiều cơ sở tại KCN chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về BVMT.

Sở TNMT đã thực hiện 17 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, 26 cuộc kiểm tra đột xuất theo ý kiến của cử tri, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan đối với các doanh nghiệp trong KCN.

Các nội dung xử lý chủ yếu như: Yêu cầu lắp đặt hệ thống xử lý, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập Hồ sơ hoàn công công trình BVMT, xử lý vi phạm về quản lý chất thải và các kiến nghị về chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và môi trường; xử phạt 7 doanh nghiệp có sai phạm về xử lý chất thải rắn 245 triệu đồng.

Ban quản lý các KCN đã kiểm tra và ban hành kết luận 26 cuộc, trong đó 25/26 doanh nghiệp có sai phạm, nội dung kết luận chủ yếu là yêu cầu nộp bổ sung Báo cáo quan trắc môi trường, hoàn thiện Đề án BVMT, lập Đề án BVMT giai đoạn 2 của dự án, lập kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, lập kế hoạch BVMT hằng năm, lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, xây dựng kho chất thải nguy hại, ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại, lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ, lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, lập sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại…

Mặc dù vậy, KTNN đánh giá, Sở TNMT và Ban quản lý các KCN chưa thực hiện đầy đủ các cuộc kiểm tra theo kế hoạch được phê duyệt.

Đáng chú ý hơn là các cơ quan này chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu trên phần mềm để theo dõi, hệ thống, tổng hợp số liệu, thông tin từ các báo cáo, thông tin về công tác BVMT, quan trắc môi trường, quản lý chất thải phục vụ công tác theo dõi, giám sát hiện trạng môi trường.

Hồ sơ môi trường lưu giữ chủ yếu dưới dạng hồ sơ giấy, cồng kềnh, khối lượng lớn, dẫn đến việc cập nhật dữ liệu chưa đầy đủ, không bao quát, việc dựa vào hệ thống dữ liệu hiện có để phát hiện các tồn tại, hạn chế, sự cố môi trường không thực sự hiệu quả, lỗi thời.

Khó nắm bắt và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh

Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc quản lý BVMT KCN không kịp thời, đầy đủ do chưa có quy chế phối hợp BVMT. Trong khi đó, theo quy định, hệ thống quan trắc tự động phải bảo đảm truyền dữ liệu tự động, liên tục về Sở TNMT.

Thêm nữa, các báo cáo quản lý chất thải nguy hại của các dự án trong KCN phải gửi về Sở TNMT mà không quy định đồng thời gửi về Ban quản lý các KCN. Do đó, Ban quản lý các KCN không được cập nhật, chia sẻ các kết quả quan trắc tự động, số liệu về quản lý chất thải để phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, những thông tin về tình hình hoạt động đầu tư, xây dựng, vận hành, công suất của các dự án trong KCN được Ban quản lý các KCN theo dõi kịp thời, nhưng những thông tin này không được chia sẻ đầy đủ, kịp thời với Sở TNMT để phối hợp theo dõi, giám sát việc thực hiện hồ sơ môi trường của dự án.

Qua kiểm tra báo cáo quan trắc định kỳ của Sở TNMT cho thấy, kết quả quan trắc môi trường tại các điểm quan trắc cố định nằm trong và xung quanh các KCN thuộc Dự án Mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 do UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành còn có một số chỉ số về nước thải, đất vượt ngưỡng cục bộ ở nhiều thời điểm.

Sở TNMT đã tăng cường giám sát, theo dõi các khu vực có biến động tăng nhưng chưa có kế hoạch xử lý tình trạng ô nhiễm theo quy định.

Báo cáo công tác BVMT của Ban quản lý các KCN cũng lập chậm so với quy định, các thông tin về công tác BVMT được phát hiện thông qua hoạt động theo dõi, giám sát của Ban quản lý các KCN chưa được phản ánh cụ thể tại các báo cáo định kỳ, dẫn đến cơ quan quản lý không nắm bắt được đầy đủ thông tin.

Trong giai đoạn 2017-2020, chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Nam Phổ Yên không nộp 4 báo cáo quan trắc, dẫn đến căn cứ cơ sở lập báo cáo công tác BVMT chưa đầy đủ.

Thực trạng trên dẫn đến việc báo cáo công tác BVMT tại các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên định kỳ hằng năm chưa kịp thời; các cơ quan quản lý khó nắm bắt được đầy đủ các vấn đề môi trường phát sinh tại các dự án trong KCN.

Trong khi đó, KTNN đánh giá, hệ thống theo dõi, giám sát hiện trạng môi trường, quản lý chất thải của Sở TNMT và Ban quản lý các KCN chưa đảm bảo hiệu lực để có khả năng phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh (nếu có)./.

Trong giai đoạn 2017-2020, các dự án trong các KCN còn nộp thiếu nhiều báo cáo theo quy định cho Sở TNMT: Thiếu 386/665 báo cáo quan trắc môi trường; thiếu 98/254 báo cáo quản lý chất thải nguy hại.

Cùng chuyên mục
Cần ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, bảo vệ môi trường