Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk: Kỳ I: Bất cập trong đầu tư phát triển cao su tại nước ngoài

(BKTO) - Qua kiểm toán chọn mẫu 5 dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, trong đó có 2 dự án phát triển cao su tại Campuchia và Dự án phát triển cao su tại các tỉnh Nam Lào, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập. Tuy là 2 dự án đầu tư vào đúng lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh chính nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi cho nhà đầu tư.




Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều bất cập của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk khi đầu tưphát triển cây cao su tại Lào và Campuchia.Ảnh: TL
Theo Báo cáo kiểm toán Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk năm 2012, tổng giá trị thực hiện đầu tư nông nghiệp của Dự án đầu tư phát triển cao su tại Lào giai đoạn 2005-2012 là 1.216 tỷ đồng, vượt 656 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt (đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa có Quyết định điều chỉnh). Tổng diện tích vườn cây đã đầu tư gần 9.900 ha (đạt 84%), trong đó hơn 8.800 ha cao su và hơn 600 ha điều, 300 ha cà phê. Qua kiểm tra thực tế vườn cây, phần lớn cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90-95%, thời gian kiến thiết cơ bản cây cao su khoảng 6 năm là đưa vào khai thác. Trong 6 tháng cuối năm 2012, chủ đầu tư đã đưa vào khai thác đạt năng suất mủ quy khô bình quân là 534,52kg/ha, bằng 74% so với năng suất của dự án được duyệt. Đến năm 2013, năng suất bình quân đã đạt 1.148,39 kg/ha, bằng 146% năng suất của dự án được duyệt. Kết quả này cho thấy Dự án trồng cao su là hiệu quả, nhưng riêng việc trồng điều, cà phê không phát triển, năng suất thấp, kém hiệu quả do không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và khó cạnh tranh về giá trên thị trường, vì thế Công ty đã thực hiện thu hẹp diện tích trồng các loại cây này để chuyển sang trồng cao su.

Tuy nhiên, KTNN đã chỉ ra rằng trong quá trình thực hiện Dự án, Chủ đầu tư đã có nhiều sai sót làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Đơn cử, hạng mục Nhà máy chế biến mủ cao su số 1, tính đến thời điểm kiểm toán, giá trị thực hiện là 59 tỷ Kíp Lào (tương đương 156 tỷ VNĐ), vượt tổng mức đầu tư ban đầu 77 tỷ đồng nhưng chưa được Chủ đầu tư Quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư. Càng đáng buồn hơn, Chủ đầu tư đã lựa chọn công nghệ sấy mủ cao su bằng củi và bằng than - KTNN đánh giá đây là công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hao phí nhân công cao, không chủ động nguyên liệu, khó quản lý nhiệt độ, gây ô nhiễm môi trường, muội than củi bám vào sản phẩm cao su làm màu của cao su thành phẩm không được vàng tươi, gây tâm lý không tốt cho khách hàng dẫn đến giảm hiệu quả. Thực tế đến thời điểm kiểm toán, sau 1 năm đưa Nhà máy vào hoạt động, đơn vị đã phải thay thế hệ thống sấy bằng dầu Diesel.

Không dừng lại ở đó, chủ đầu tư đã quyết định trồng hơn 2.000 ha sắn xen vào giữa các vườn cao su ngoài dự án được duyệt đã gây thất thoát do lỗ từ việc chi phí trồng và bán sắn củ gần 1,2 tỷ đồng, hơn nữa còn làm giảm khả năng sinh trưởng (tỷ lệ sống chỉ 80-85%), năng suất thu hoạch mủ (chỉ khoảng 300-350 kg/ha) của cây cao su. Những khoản thiệt hại này rất lớn nhưng không thể tính toán cụ thể - KTNN nhấn mạnh. Một quyết định khác nữa là chủ đầu tư đã tự ý quyết định đầu tư ra ngoài dự án tổng thể đã được phê duyệt gây thất thoát 1.344 triệu kíp Lào (tương đương 3,55 tỷ VNĐ). Đó là Dự án đầu tư Trung tâm Thương mại Sa La Van (tỉnh Champhasak) trên tổng diện tích gần 38 ngàn m2 đã bị Nhà nước Lào quyết định thu hồi vào năm 2012 do sau 4 năm nhận đất nhưng đơn vị đã không triển khai đầu tư xây dựng.

Đối với Dự án đầu tư phát triển cao su tại Campuchia, KTNN xác định tổng chi phí đầu tư đến 31/12/2012 là 8,341 triệu USD, đạt 83,4% tổng mức đầu tư được duyệt (9,998 triệu USD). Trong đó, chi phí đầu tư nông nghiệp là 7,962 triệu USD, tương ứng với diện tích đầu tư xấp xỉ 1.778 ha cao su. Tiến hành kiểm tra thực tế vườn cây cho thấy phần lớn cây cao su tại các vườn sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống từ 75-93%.

Tuy nhiên, với quy mô thực hiện nhỏ, KTNN cho rằng, việc lập Dự án không sát với tình hình thực tế, tuy diện tích trồng cao su giai đoạn 1 chỉ là 1.778 ha nhưng chủ đầu tư đã lập dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ, đồng thời chưa có phương án chế biến sản phẩm khả thi khi đưa vào khai thác. Vì chi phí cố định quá lớn (một phần do giá cả nhân công, vật tư tại chỗ cao, tất cả các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều thực hiện thông qua dịch vụ tư vấn mất phí) dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, chi phí suất đầu tư cho 1 ha bình quân là 171 triệu đồng, tăng trên 50% so với suất đầu tư tại Lào và tại Việt Nam.

Hạn chế khác được KTNN chỉ ra là trong quản lý đầu tư, chủ đầu tư đã chi phí hỗ trợ quà biếu từ năm 2008-2012 lên tới 3,437 tỷ đồng, với mức chi năm sau cao hơn năm trước, làm tăng thêm chi phí trung gian không phục vụ cho hoạt động đầu tư. Khoản chi phí này không có trong dự án duyệt, không có trong kế hoạch tài chính năm, trong khi chi phí quản lý dự án phát sinh thực tế đã vượt 8,43 lần so với đề án duyệt. Sau 5 năm triển khai, cơ sở hạ tầng của Dự án vẫn chưa được đầu tư, còn tạm bợ, ở giữa rừng cao su, xa đô thị và khu dân cư nên đời sống cán bộ, công nhân viên khó khăn.

Với diện tích cao su nêu trên, nếu đầu tư nhà máy chế biến thì sẽ không đáp ứng được nguyên liệu sản xuất, làm cho kinh phí chế biến sẽ tăng cao, rất khó cạnh tranh trong tiêu thụ so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Nếu nguyên liệu bán tại Campuchia thì giá bán sẽ bị ép thấp, nếu chuyển về Việt Nam chế biến hoặc gia công sẽ vướng vào hàng rào thủ tục thông quan vì tại Campuchia cấm xuất khẩu nguyên liệu thô. Thực trạng này khiến chủ đầu tư phải ngừng đầu tư mở rộng dự án để hạn chế rủi ro, chỉ tập trung nâng cao chất lượng vườn cây đã đầu tư.
(Kỳ sau đăng tiếp)
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk: Kỳ I: Bất cập trong đầu tư phát triển cao su tại nước ngoài