Năm 2012, hoạt động đầu tư tài chính của Tổng công ty Vận tải thủy hầu như không hiệu quả.Ảnh: TK
Theo báo cáo, năm 2012 hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đạt lợi nhuận sau thuế là 15.268 triệu đồng nhưng theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau thuế lãi 2.510 triệu đồng, giảm 12.759 triệu đồng so với số liệu báo cáo. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của các đơn vị trong toàn TCT hầu hết không đạt hiệu quả cao hoặc không hiệu quả. Cụ thể, Công ty CP Vận tải thủy 1 lãi 1.033 triệu đồng, Công ty CP Vận tải thủy 2 lỗ 3.027 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp đỡ đường thủy nội địa lỗ 11.427 triệu đồng...
So với năm 2011, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị thấp hơn, thể hiện qua các chỉ tiêu: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu giảm từ 1,25% (năm 2011) xuống còn 0,17% (năm 2012); tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm từ 5,65% xuống còn 0,67%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản giảm từ 1,34% xuống còn 0,20%.
Theo phân tích, đánh giá của KTNN, kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2012 của TCT không mang lại hiệu quả cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nguyên nhân khách quan là hoạt động dịch vụ vận tải tự làm gặp nhiều khó khăn do nguồn hàng khai thác tại thời điểm năm 2012 trong khu vực giảm, ngành Vận tải đang có tốc độ xã hội hóa rất nhanh tạo nên sự cạnh tranh gay gắt về giá cước vận chuyển. Giá cả nguyên, vật liệu đầu vào có nhiều biến động theo xu hướng tăng lên cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đơn vị, tốc độ tăng giá cước chậm hơn tốc độ tăng của giá nhiên liệu nên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Việc cắt giảm đầu tư công dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nhu cầu sửa chữa tàu giảm…
Bên cạnh đó, những nguyên nhân từ chính nội tại DN với nhiều khó khăn trong công tác triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đặc thù ngành, nghề kinh doanh nên tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, các đơn vị đều chịu mức khấu hao lớn, vốn chủ sở hữu ít, vay nợ nhiều, phải chịu lãi suất lớn với chi phí lãi vay cả năm là 74.775 triệu đồng. Cùng những tồn tại của nhiều năm trước để lại (tính thiếu chi phí khấu hao, lãi vay, tài sản không dùng nhưng chậm thanh lý…) dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý, các đơn vị chưa thực hiện công tác phân tích chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm để phát hiện những khâu yếu kém trong quản lý cũng như những yếu tố làm tăng chi phí, giá thành để có giải pháp khắc phục kịp thời; việc lập báo cáo quản trị hàng tháng, hàng quý không phân tích, đánh giá kết quả kinh doanh, tình hình quản lý và sử dụng vốn, khả năng thanh toán… như quy định (Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa).
Đầu tư tài chínhkhông hiệu quả
Theo Báo cáo kiểm toán, năm 2012, toàn TCT có 6 đơn vị đang thực hiện đầu tư tài chính dài hạn, với tổng giá trị góp vốn là 100.058 triệu đồng. Trong đó, Công ty mẹ đã đầu tư vào 7 công ty con 78.698 triệu đồng, đầu tư vào công ty liên kết 1.083 triệu đồng, là phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần do TCT là đại diện, đầu tư dài hạn khác của đơn vị đến 31/12/2012 là 1.955 triệu đồng. Công ty mẹ không thực hiện đầu tư ra ngoài lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Theo số liệu phản ánh trên sổ kế toán cho thấy, các công ty con, công ty liên kết hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận được chia từ phần vốn nhà nước lũy kế đến 31/12/2012 là 34.866 triệu đồng (lợi nhuận năm 2012 là 6.167 triệu đồng). Tuy nhiên, nếu so sánh với lãi suất huy động bình quân của ngân hàng năm 2012 là 9% cho thấy vốn đầu tư vào các công ty con mang lại hiệu quả thấp hơn.
Tại Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa, có 3 đơn vị thực hiện đầu tư tài chính với giá trị đầu tư là 15.824 triệu đồng. Các đơn vị được đầu tư đều hoạt động trong lĩnh vực vận tải, bốc xếp, phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó Công ty mẹ đầu tư vào 6 công ty con là 15.551 triệu đồng, đầu tư dài hạn khác vào 2 công ty cổ phần 168 triệu đồng; giá trị đầu tư của 2 công ty con là 105 triệu đồng. Qua kiểm toán cho thấy, lợi nhuận thực tế mà các đơn vị nhận được từ khi đầu tư đến thời điểm 31/12/2011 là 2.309 triệu đồng (năm 2012 chưa chia lợi nhuận). Theo báo cáo trong số 8 công ty được Công ty mẹ đầu tư vốn thì 3 công ty hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ qua nhiều năm nên khi đầu tư Công ty mẹ chưa được chia cổ tức lần nào. Tỷ lệ lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư tài chính của toàn công ty năm 2011 là 2,5%, năm 2012 dự kiến là 2,8%. Nếu so với lãi suất tiền huy động bình quân của ngân hàng năm 2012 thì tỷ lệ này rất thấp, như vậy hoạt động đầu tư tài chính của toàn công ty không có hiệu quả.
Tại Công ty CP Vận tải thủy 1, thực hiện đầu tư vào công ty con 2.300 triệu đồng, Công ty CP Vận tải thủy Thái Bình 54 triệu đồng, và vào Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam 10 triệu đồng. Năm 2011, giá trị cổ tức được chia của công ty là 254 triệu đồng (bằng 10,7%/năm). Như vậy việc đầu tư tài chính của công ty là có hiệu quả nhưng chưa cao.
Các khoản đầu tư tài chính còn lại là của các Công ty CP Vận tải thủy 1, 2, 3, 4, toàn bộ là tiền mua cổ phiếu của Công ty CP Vận tải thủy Thái Bình với tổng giá trị đầu tư là 2.498 triệu đồng. Tuy nhiên việc đầu tư tài chính của các đơn vị này cũng không hiệu quả với giá trị cổ tức được chia tương đương 1,7%/năm.
ĐĂNG KHOA