Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk - Kỳ III: Nhiều sai phạm trong nội bộ Công ty mẹ

(BKTO) - Trong những bài viết trước, Báo Kiểm toán đã phản ánh về tình trạng buông lỏng quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco) dẫn đến nhiều sai phạm tại các Công ty thành viên, tại các dự án đầu tư của Dakruco và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong bài viết kỳ này, chúng tôi tiếp tục phản ánh về những sai phạm trong nội bộ Công ty mẹ Dakruco.




Công ty Dakruco đã chi trả tiền lương cho người lao động vượt quy định hơn 24 tỷ đồng trong năm 2012. Ảnh: TL

Bất cập trong sử dụng vốn, tiền và tài sản nhà nước

Đánh giá về việc quản lý tài sản dài hạn của Dakruco, KTNN nêu rõ trong danh mục tài sản cố định của Công ty mẹ có tài sản hồ Đăk Minh (gồm đập, hồ và hệ thống kênh mương tưới tiêu cho một số xã thuộc huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Tài sản này nằm trong khuôn viên của Công ty cổ phần Du lịch Bản Đôn và được UBND tỉnh bàn giao cho Dakruco năm 2008 (nguyên giá 20,8 tỷ đồng) nhưng hiện chi nhánh nghỉ dưỡng sinh thái Bản Đôn đã được cổ phần hóa, tài sản hồ Đăk Minh hoàn toàn không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, lại nằm xa địa bàn hoạt động của các đơn vị trực thuộc Dakruco. KTNN nhấn mạnh, đây là hệ thống công trình thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, không phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị nhưng đến thời điểm kiểm toán, Công ty mẹ vẫn chưa kiến nghị UBND tỉnh bàn giao hồ Đăk Minh cho đơn vị khác đúng chức năng để quản lý, sử dụng có hiệu quả, đảm bảo hoạt động tốt để phục vụ tưới tiêu cho các địa phương được hưởng lợi từ dự án này.

Trong công tác quản lý vật tư hàng hóa, Công ty đã mở sổ kế toán theo dõi, hạch toán giá trị vật tư nhập, xuất, tồn, quyết toán sử dụng vật tư hàng hóa, đã xây dựng và ban hành định mức vật tư, hàng hóa tồn kho. Cuối năm, Công ty tổ chức kiểm kê lập báo cáo tồn kho theo quy định. Tuy nhiên, giá trị 4 lô đất tại Bình Dương (4,9 tỷ đồng), Đà Nẵng (15,3 tỷ đồng) đủ điều kiện phản ánh là bất động sản đầu tư, không phải để bán ra trong kỳ kinh doanh thông thường nhưng Công ty mẹ đã phản ánh vào chỉ tiêu hàng tồn kho. Điều này là sai quy định và việc Công ty thực hiện trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho 8,1 tỷ đồng là không đúng bản chất nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Bên cạnh đó, các hàng hóa là công cụ, dụng cụ kém, mất phẩm chất tồn kho từ các năm trước đã trích dự phòng giảm giá 512 triệu nhưng Công ty mẹ chưa kịp thời phân loại xử lý hoặc bán thu hồi vốn.

Đối với việc quản lý và phân phối kết quả kinh doanh, sai phạm đáng chú ý là Công ty mẹ chưa thực hiện kê khai xác định giá các giao dịch mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết theo quy định. Vì thế, KTNN đã chứng minh và kết luận rằng Công ty mẹ có biểu hiện vi phạm với hành vi chuyển giá đối với các công ty liên kết, thể hiện trong việc cho các đơn vị liên kết sử dụng vốn nhưng chưa tính lãi vay đầy đủ (9,3 tỷ đồng); bán hàng thấp hơn giá thị trường, cho chậm trả tiền hàng với thời gian ưu đãi đặc biệt, dẫn đến công ty liên kết được hưởng lợi khoảng 6,9 tỷ đồng.

Lộ diện những khoản chi mạnh tay

Nhiều sai phạm trong quản lý phân phối tiền lương và các khoản theo lương của Dakruco đã được KTNN phát hiện, đơn cử như Dakruco đã không giữ lại 30% lương thực trả cho Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và Kiểm soát viên để chi trả vào cuối năm theo quy định. Tại Công ty mẹ, đơn vị đã xây dựng và áp dụng định mức, đơn giá tiền lương cho bộ phận chăm sóc cây cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhưng ngoài mức lương khoán phải trả, Công ty đã bổ sung thêm lương cho người lao động dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng cơ bản tăng hơn 1,86 tỷ đồng.

Trong việc xây dựng và áp dụng đơn giá tiền lương tính trên tổng doanh thu, Công ty đã xác định các chỉ tiêu không chính xác dẫn đến đơn giá tiền lương 300 ngàn đồng/1 triệu đồng doanh thu cao hơn số kiểm toán xác định 194 ngàn đồng/1 triệu đồng. Vì vậy, năm 2012, Công ty đã chi trả tiền lương cho người lao động vượt 24,2 tỷ đồng. Đáng tiếc là đến thời điểm kiểm toán, số tiền lương này đã chi trả hết cho người lao động và người lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thu hồi lại số tiền lương này là không khả thi.

Qua kiểm toán quỹ tiền lương của người lao động, KTNN còn phát hiện Công ty mẹ đã sử dụng 3,9 tỷ đồng để chi trả cho Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và Kiểm soát viên, ngoài quỹ lương của viên chức quản lý được duyệt. Tuy nhiên, do số tiền lương này đã có trong Nghị quyết của HĐQT Công ty, Hội đồng tiền lương và Công đoàn Công ty thống nhất, do vậy, KTNN không xử lý về số liệu mà chỉ đề nghị đơn vị rút kinh nghiệm trong các năm sau. Không dừng lại ở đó, Công ty mẹ còn chi trả lương không đúng đối tượng 2,19 tỷ đồng cho cán bộ công nhân viên thuộc bộ phận kiến thiết cơ bản và Công ty Dakmoruco.

Doanh thu, thu nhập của Dakruco năm 2012 là 1.235 tỷ đồng, trong đó: doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ 1.077 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 106,5 tỷ đồng, thu nhập khác gần 62 tỷ đồng. Công ty đã kê khai thiếu thuế GTGT, thuế Thu nhập DN, thuế Thu nhập cá nhân, thiếu tiền thuê đất và thiếu thuế Nhà thầu. KTNN xác định thuế và các khoản Dakruco phải nộp Nhà nước đến 31/12/2012 là 80,677 tỷ đồng (trong đó số thuế kiểm toán xác định tăng thêm là 22,6 tỷ đồng), đồng thời điều chỉnh giảm số thuế và các khoản phải thu Nhà nước 514,2 triệu đồng. Đánh giá tình hình quản lý tài sản và nguồn vốn của Dakruco, KTNN kết luận, khả năng thanh toán hiện hành của Dakruco vẫn đảm bảo (tổng tài sản/nợ phải trả bằng 1,77 lần). Tỷ lệ nợ phải trả/vốn điều lệ bằng 2,52 lần, hệ số này cũng được đánh giá ở mức an toàn và thấp hơn so với mức quy định của Bộ Tài chính, nhưng khả năng thanh toán nhanh của Công ty là thấp, bởi tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn chỉ bằng 0,57 lần.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk - Kỳ III: Nhiều sai phạm trong nội bộ Công ty mẹ