Cụ thể hóa nhiều mục tiêu phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030

(BKTO) - Triển khai Nghị quyết số 88-NQ/ĐU của Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) về “Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030" (Nghị quyết 88), cấp ủy các đơn vị trong toàn Ngành đã chỉ đạo triển khai xây dựng các kế hoạch hoạt động để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược.

1.jpg
 Pháp lệnh  Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/02/2023. Ảnh: TS

Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực 

Theo Báo cáo sơ kết kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết 88, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Đảng ủy KTNN đã quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết đến các đảng bộ, chi bộ trực thuộc trong toàn Ngành và toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và các Tiểu ban xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021- 2030).

Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo KTNN, bám sát các nội dung, tiến độ của Nghị quyết. Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 88, đến thời điểm này, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được cụ thể hóa và đạt được kết quả bước đầu. 

Cụ thể, nhằm hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN tương xứng với vị trí, vai trò là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công của Nhà nước, KTNN đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (ngày 28/02/2023).

Cùng với đó, KTNN đã ban hành Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng...

Giai đoạn 2024-2025, KTNN sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật KTNN, qua đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng để kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Đảng ủy KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của các đơn vị trực thuộc KTNN; phát triển đơn vị sự nghiệp theo hướng nâng cao mức độ tự chủ, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Xác định nhân lực là 1 trong 3 trụ cột phát triển quan trọng của KTNN, Đảng ủy KTNN đã lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ; thực hiện quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái để rèn luyện công chức, kiểm toán viên. Đặc biệt, việc hoàn thiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế, chính sách ưu tiên đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao rất được chú trọng. 

Triển khai Nghị quyết 88, Đảng ủy KTNN còn lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền, nghiên cứu khoa học; việc thực hiện Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao, đạt được được nhiều kết quả tích cực. 

Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán

Triển khai Nghị quyết 88, từ năm 2022, KTNN đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm, Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch kiểm toán trung hạn giai đoạn 2023-2025. Trong đó, mục tiêu, định hướng cho hoạt động kiểm toán là: Tăng dần tỷ trọng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động.

5.jpg
KTNN tổ chức Họp báo công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán. Ảnh: TS

Năm 2022, KTNN đã kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) với tỷ lệ 59% số đầu mối, kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) đạt 80% số đầu mối; số cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin (CNTT) đạt 21% tổng số cuộc kiểm toán.

Năm 2023, KTNN kiểm toán quyết toán NSNN với tỷ lệ 66% số đầu mối, kiểm toán quyết toán NSĐP đạt 83% số đầu mối; số cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, CNTT đạt 23% tổng số cuộc kiểm toán.

Năm 2024, KTNN sẽ hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm toán với tỷ lệ từ 85% đến 90% báo cáo quyết toán NSĐP và các bộ, cơ quan Trung ương; số cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, CNTT đạt 27% tổng số cuộc kiểm toán.

Bên cạnh đó, KTNN đã tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn kiểm toán theo giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Kết quả, tính đến 25/5/2023, KTNN đã ban hành 8 hướng dẫn kiểm toán các lĩnh vực: Báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan Trung ương, NSNN, NSĐP; CNTT; môi trường; công tác quản lý nợ công; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Đồng thời, KTNN tích cực học tập kinh nghiệm quốc tế về các loại hình, phương pháp, cách thức kiểm toán mới; rà soát, đánh giá sự phù hợp và sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực KTNN Việt Nam theo thông lệ kiểm toán quốc tế; tổ chức tọa đàm, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về lập, thẩm định báo cáo kiểm toán, chia sẻ kinh nghiệm về các sai sót thường gặp trong quá trình kiểm toán. Tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và ban hành kế hoạch kiểm toán tổng quát; quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN.

4.jpg
KTNN tham gia cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 58. Ảnh: TS

Để nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán và hiệu lực kết luận, kiến nghị kiểm toán, KTNN chú trọng phát triển các mối quan hệ phối hợp với các bên liên quan. Từ năm 2021 đến nay, KTNN đã ký 4 quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2023, KTNN đã tổ chức sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác và tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn tiếp theo với các địa phương. 

Ngoài ra, KTNN còn chú trọng hợp tác đa phương với KTNN các nước truyền thống và tích cực mở rộng đối tác song phương mới, có thế mạnh về các lĩnh vực KTNN quan tâm phát triển như kiểm toán môi trường, kiểm toán CNTT...

Với vai trò là thành viên Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2021-2024, KTNN tham gia cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 58; tham gia Nhóm nòng cốt nghiên cứu về Quy định của ASOSAI; đăng cai tổ chức Hội thảo ASOSAI năm 2023 về chủ đề “Kiểm toán các chương trình phòng chống bệnh truyền nhiễm sau đại dịch Covid-19” tại Hà Nội...

Bằng các hoạt động tích cực, thiết thực, KTNN tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt trong Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI). 

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm

Thời gian tới, KTNN tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công “Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030”, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu rõ về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thực hiện Chiến lược cũng như các quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp phát triển KTNN đến năm 2030 nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị.

Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong việc thực hiện Chiến lược; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho mỗi cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và nâng cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chiến lược.

Tăng cường phối hợp giữa cấp ủy và lãnh đạo đơn vị được giao chủ trì trong tổ chức và thực hiện Chiến lược; phối hợp giữa đơn vị chủ trì hoạt động với các đơn vị tham gia và các KTNN chuyên ngành, khu vực; phối hợp giữa Đảng ủy KTNN với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo KTNN trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chiến lược.

Các cấp ủy đảng cụ thể hóa các nội dung công việc của Chiến lược vào chương trình, kế hoạch công tác của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN và các cấp ủy trực thuộc hằng năm; xác định rõ mục tiêu, tiêu chí cần đạt được và mức độ hoàn thành của Chiến lược. Tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành đối với việc thực hiện Chiến lược.

Tiếp tục bám sát các chỉ đạo, định hướng của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. 

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, viên chức; bổ sung công chức, viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp cho các đơn vị còn thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, nhận định tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó có những biện pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thực hiện Chiến lược./.

Cùng chuyên mục
Cụ thể hóa nhiều mục tiêu phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030