Kiểm toán việc điều hành chính sách tiền tệ: Cần các tiêu chí đánh giá

(BKTO) - Hiện nay, hoạt động kiểm toán công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) vẫn gặp những khó khăn do chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Bởi vậy, việc nghiên cứu xây dựng các tiêu chí để đánh giá hoạt động điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.

12345.jpg
Từ năm 2010 trở lại đây, KTNN đã từng bước đi sâu phân tích, đánh giá công tác điều hành CSTT của NHNN. Ảnh: internet

Thiếu đánh giá tổng thể về điều hành chính sách tiền tệ

Hằng năm, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đều thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và một số hoạt động của NHNN, trong đó, đánh giá công tác điều hành CSTT là một trong những nội dung kiểm toán quan trọng. Từ năm 2010 trở lại đây, bên cạnh việc kiểm tra, xác nhận các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, KTNN đã từng bước đi sâu phân tích, đánh giá công tác điều hành CSTT của NHNN. Qua đó, KTNN đưa ra những cảnh báo quan trọng đối với NHNN khi ban hành và thực hiện CSTT, cũng như chỉ ra những điểm còn hạn chế, chưa hiệu quả trong công tác điều hành CSTT.

Bên cạnh đó, KTNN đã từng bước hoàn thiện thủ tục kiểm toán các hoạt động điều hành CSTT của NHNN như: Thực hiện các thủ tục kiểm toán đánh giá rủi ro, thu thập đầy đủ các thông tin ban đầu về nghiệp vụ, công cụ điều hành CSTT của NHNN, các thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan đến các công cụ điều hành CSTT; kiểm tra chi tiết từng nghiệp vụ, áp dụng các thủ tục phân tích đánh giá so sánh để đưa ra các kết luận kiểm toán.

Tuy nhiên, việc đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả, kinh tế trong điều hành CSTT còn có những khó khăn. Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang, hiện nay, KTNN vẫn chưa có các tiêu chí phù hợp để làm cơ sở hướng dẫn kiểm toán công tác điều hành CSTT, do đó, việc kiểm toán đối với nội dung này được thực hiện theo hướng dẫn chung kiểm toán lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Kiểm toán công tác điều hành CSTT của NHNN, đoàn kiểm toán tập trung đánh giá: Việc ban hành văn bản, quy định hướng dẫn về các công cụ điều hành CSTT và điều hành CSTT có phù hợp với mục tiêu, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và các quy định pháp luật của Nhà nước có liên quan; việc sử dụng các công cụ thực hiện CSTT của NHNN có tuân thủ theo quy định nội bộ của NHNN và các quy định của Nhà nước; cơ sở, căn cứ đề xuất sử dụng các công cụ thực hiện CSTT của NHNN; hiệu quả, tác động của việc sử dụng các công cụ thực hiện CSTT đối với thị trường tiền tệ và nền kinh tế.

Các hướng dẫn kiểm toán nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ mua bán ngoại tệ, hoạt động cho vay tái cấp vốn, tạm ứng cho ngân sách nhà nước, đánh giá công tác điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc... đã được ban hành nhưng chưa đầy đủ, chỉ mang tính chất hướng dẫn sơ bộ một số thủ tục kiểm toán cơ bản và chưa xác định được các tiêu chí cụ thể, phù hợp để đánh giá tổng hợp/chi tiết về công tác điều hành CSTT của NHNN.

Hầu hết các đoàn kiểm toán NHNN chưa có đánh giá tổng thể về hoạt động điều hành CSTT của NHNN. Các kết quả kiểm toán đạt được chỉ mang tính chất riêng lẻ thông qua việc kiểm toán đánh giá một số công cụ điều hành CSTT, chưa tập trung đi sâu phân tích đánh giá được công tác điều hành CSTT của NHNN đã hiệu quả hay chưa, có đạt được mục tiêu đề ra hay không.

Đánh giá từng công cụ điều hành chính sách tiền tệ

Từ kết quả nghiên cứu về kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành CSTT của NHNN Việt Nam, CN. Phan Trường Giang và ThS. Nguyễn Xuân Toàn (KTNN chuyên ngành VII) đã đề xuất các tiêu chí kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành CSTT của NHNN.

Theo đó, đối với công tác điều hành lãi suất, mục tiêu kiểm toán là đánh giá: Sự phù hợp của việc ban hành và thực hiện các chính sách lãi suất với mục tiêu, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và các quy định pháp luật chung của Nhà nước có liên quan; từng lần điều chỉnh các lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động, cho vay trong năm có tuân thủ quy trình, quy định nội bộ và có đầy đủ cơ sở, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế.

Đối với công tác điều hành tỷ giá hối đoái, KTNN đánh giá: Việc ban hành và việc điều hành, thực hiện các chính sách tỷ giá của NHNN trong năm... có phù hợp với mục tiêu, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và các quy định pháp luật chung của Nhà nước có liên quan; từng lần can thiệp tỷ giá trong năm có đầy đủ cơ sở, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước, quốc tế và được thực hiện đúng theo quy trình, quy định nội bộ của NHNN; chính sách điều hành tỷ giá của NHNN có tác động hiệu quả đến thị trường, tỷ giá có diễn biến phù hợp với mục tiêu của từng lần can thiệp tỷ giá.

Khi đánh giá công tác điều hành nghiệp vụ thị trường mở, đoàn kiểm toán cần đánh giá: Việc ban hành văn bản, quy định hướng dẫn về nghiệp vụ thị trường mở và phương án, kế hoạch hoạt động nghiệp vụ thị trường mở có phù hợp với mục tiêu, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và các quy định pháp luật chung của Nhà nước có liên quan; việc mua, bán giấy tờ có giá tại các thời điểm của NHNN có tuân thủ theo quy định nội bộ của NHNN và các quy định của Nhà nước không; cơ sở, căn cứ đề xuất cung ứng tiền thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá tại các thời điểm của NHNN; hiệu quả của hoạt động thị trường mở đối với thị trường tiền tệ.

Kiểm toán đánh giá hoạt động tái cấp vốn gồm các mục tiêu: Đánh giá việc ban hành văn bản, quy định hướng dẫn về hoạt động tái cấp vốn và điều hành hoạt động tái cấp vốn có phù hợp với mục tiêu, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và các quy định pháp luật chung của Nhà nước có liên quan; kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định đối với các nghiệp vụ tái cấp vốn (điều kiện vay, gia hạn, lãi suất…); đánh giá tính khách quan, tính kịp thời, hiệu quả của hoạt động tái cấp vốn, đối chiếu với nguồn lực của Nhà nước phải bỏ ra cho hoạt động tái cấp vốn để đạt được các mục tiêu trên về số tiền tái cấp vốn, lãi suất tái cấp vốn, thời gian tái cấp vốn.

Liên quan đến hạn mức tăng trưởng tín dụng, các mục tiêu kiểm toán gồm: Đánh giá việc tuân thủ các quy định quy trình về việc phân bổ, điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHNN; đánh giá việc xây dựng, giao, điều chỉnh và giám sát hạn mức tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng cho các tăng trưởng tín dụng; đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống các ngân hàng.

Để cuộc kiểm toán thành công, trước khi thực hiện, đoàn kiểm toán phải thu thập đầy đủ thông tin để nắm rõ các mục tiêu điều hành CSTT của NHNN từng thời kỳ, việc sử dụng các công cụ điều hành CSTT làm cơ sở xây dựng đề cương kiểm toán phù hợp./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Sơn La
    một năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII đang thực hiện kiểm toán Chuyên đề "Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020 -2022 tại tỉnh Sơn La".
  • Đồng hành phát triển ngành nghề kiểm toán
    một năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Là tổ chức nghề nghiệp quốc tế về tài chính kế toán lâu đời nhất thế giới với hơn 142 năm phát triển, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) rất vinh dự được đồng hành với Kiểm toán nhà nước (KTNN) nói riêng và Việt Nam nói chung trong giai đoạn phát triển quan trọng của lĩnh vực tài chính.
  • Trách nhiệm giải trình trong kiểm toán môi trường
    một năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trách nhiệm giải trình (TNGT) về môi trường là biện pháp kiểm soát quyền lực hữu hiệu và là cơ chế tốt nhất mà Chính phủ có để đối phó với các vấn đề môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Một trong những công cụ để nâng cao TNGT của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chính là kiểm toán môi trường (KTMT).
  • Vai trò của kiểm toán nội bộ trong quản trị AI
    một năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào nên việc sử dụng các mô hình AI có thể dẫn đến những kết quả ngoài ý muốn nếu dữ liệu sai lệch. Do đó, các tổ chức buộc phải thử nghiệm và giám sát mô hình AI cũng như dữ liệu thông qua hoạt động kiểm toán nội bộ để đảm bảo rằng các chức năng tự động hóa đang hoạt động như dự kiến.
  • Đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo tài chính nhà nước
    một năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN), giúp người sử dụng các cấp và cấp cao nhất là Quốc hội nắm được tài sản, nguồn lực của quốc gia, từ đó có những giải pháp hoạch định chính sách vĩ mô phù hợp với nền kinh tế đất nước.
Kiểm toán việc điều hành chính sách tiền tệ: Cần các tiêu chí đánh giá