Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công: Linh hoạt trong lựa chọn chủ đề và cách thức triển khai

(BKTO) - Kiểm toán việc đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng nhà làm việc (NLV), công trình sự nghiệp (CTSN), đất, xe ô tô của nhiều tổ chức, địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy vậy, để các cuộc kiểm toán này đạt chất lượng cao, việc lựa chọn chủ đề cũng như cách thức triển khai phải linh hoạt, phù hợp.

1.jpg
KTNN cần xây dựng hệ thống tiêu chí kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất, xe ô tô tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ảnh minh họa

Thiếu tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công

Hiện nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chưa tổ chức các cuộc kiểm toán độc lập về việc quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất, xe ô tô tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc về một trong các loại tài sản công này. Tuy vậy, trong hầu hết các cuộc kiểm toán thường niên về công tác quản lý, sử dụng tài chính công, KTNN đều lồng ghép mục tiêu liên quan đến việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Kết quả kiểm toán cho thấy, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tài sản công theo quy định; chưa xử lý dứt điểm tình trạng NLV, CTSN, đất bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài qua các năm; chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn NLV, CTSN, đất hoặc sử dụng không đúng mục đích… Từ những phát hiện trên, KTNN đã xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng tài sản công cho phù hợp.

Tuy nhiên, theo ThS. Phạm Thành Ngọc (KTNN chuyên ngành III), nội dung kiểm toán này thường được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính công tại Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nên mục tiêu kiểm toán rộng, chưa xác định rõ trọng tâm, kết quả kiểm toán chưa bao quát và không phản ánh toàn diện hoạt động quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất, xe ô tô của đơn vị. Mặc dù các tài sản này có giá trị vật chất rất lớn, tác động trực tiếp đến hoạt động của các đơn vị sử dụng và tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, tham nhũng, lãng phí nhưng kiểm toán về tài chính công vẫn thường được các kiểm toán viên đề cao hơn.

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất tại các đơn vị, địa phương chưa được xây dựng, gây khó khăn cho kiểm toán viên khi phân tích, đánh giá, kết luận. Kết quả kiểm toán chủ yếu là đánh giá tính tuân thủ pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; những nội dung đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế, chưa được chú trọng. Do đó, mục tiêu tư vấn để các tổ chức, địa phương, Bộ, ngành nâng cao tính tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất chưa đạt kỳ vọng.

Lựa chọn chủ đề và xây dựng tiêu chí kiểm toán phù hợp

Từ thực tiễn hoạt động kiểm toán thời gian qua, ThS. Phạm Thành Ngọc và TS. Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) cho rằng, khi lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất, xe ô tô, các đoàn kiểm toán cần xem xét đến các yếu tố: Giá trị gia tăng từ cuộc kiểm toán, rủi ro trong công tác quản trị, ý nghĩa của chủ đề kiểm toán hoạt động đối với đơn vị được kiểm toán, ảnh hưởng của chủ đề kiểm toán đối với nền kinh tế - xã hội, khả năng thực hiện kiểm toán. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm toán có thể lựa chọn một số chủ đề kiểm toán hoạt động phù hợp.

KTNN có thể lựa chọn một số chủ đề kiểm toán hoạt động như: Việc quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác quản lý, sử dụng NLV, CTSN; công tác sắp xếp lại, xử lý NLV, CTSN, đất, xe ô tô tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc khai thác nguồn lực tài chính từ quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất; việc sử dụng CTSN, đất cho mục tiêu kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Để các cuộc kiểm toán đạt chất lượng cao, KTNN cần xây dựng hệ thống tiêu chí kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất, xe ô tô tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm giúp các kiểm toán viên có cơ sở tham chiếu, thực hiện kiểm toán. Theo đó, đối với việc quản lý, sử dụng NLV, CTSN, hệ thống tiêu chí đánh giá bao gồm các tiêu chí về tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực.

Cụ thể, tiêu chí đánh giá tính kinh tế bao gồm việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng NLV, CTSN theo thẩm quyền; sử dụng NLV, CTSN theo đúng tiêu chuẩn, định mức đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành; đầu tư xây dựng NLV, CTSN có phù hợp quy định, đúng tiến độ và tiết kiệm so với dự toán; thống kê, kế toán về hiện vật và giá trị NLV, CTSN có theo quy định?

Các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả bao gồm: NLV, CTSN có phù hợp, đáp ứng nhu cầu hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và có được sửa chữa theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; việc thuê NLV, CTSN phục vụ hoạt động đúng quy định và đạt hiệu quả tài chính; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng CTSN vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có đạt hiệu quả tài chính?

Các tiêu chí đánh giá tính hiệu lực bao gồm: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; NLV, CTSN có được sử dụng đúng cho các chức danh và đúng mục đích; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất có được triển khai và đạt mục tiêu đề ra; cơ quan, tổ chức, đơn vị đã cập nhật đầy đủ thông tin về sắp xếp lại, xử lý NLV, CTSN vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công?

Tương tự, đối với việc quản lý, sử dụng đất, xe ô tô của cơ quan, tổ chức, đơn vị, KTNN cũng cần có hệ thống tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực. Các tiêu chí này đều liên quan đến việc lập, quản lý hồ sơ pháp lý, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản; thống kê, kế toán về hiện vật và giá trị quyền sử dụng; sử dụng tài sản để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có đạt hiệu quả tài chính; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản; cập nhật đầy đủ số liệu tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công…

Bên cạnh việc lồng ghép mục tiêu, nội dung kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng NLV, CTSN, đất, xe ô tô vào các cuộc kiểm toán tài chính công như hiện nay, KTNN có thể triển khai định kỳ cuộc kiểm toán hoạt động độc lập theo chuyên đề về quản lý, sử dụng tài sản công hoặc tách riêng từng loại tài sản để kiểm toán trên phạm vi rộng ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, áp dụng linh hoạt, đa dạng các loại hình kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
  • 6 rủi ro từ ChatGPT mà kiểm toán nội bộ cần lưu ý
    9 tháng trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Rủi ro về thông tin/câu trả lời bịa đặt, không chính xác; quyền riêng tư và bảo mật; phân biệt đối xử và bất công xã hội; sở hữu trí tuệ và bản quyền; gian lận trên mạng; bảo vệ người tiêu dùng là 6 rủi ro mà kiểm toán nội bộ (KTNB) cần thường xuyên đánh giá khi ứng dụng ChatGPT.
  • Kiểm toán việc điều hành chính sách tiền tệ: Cần các tiêu chí đánh giá
    10 tháng trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Hiện nay, hoạt động kiểm toán công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) vẫn gặp những khó khăn do chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Bởi vậy, việc nghiên cứu xây dựng các tiêu chí để đánh giá hoạt động điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.
  • Kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Sơn La
    10 tháng trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII đang thực hiện kiểm toán Chuyên đề "Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020 -2022 tại tỉnh Sơn La".
  • Đồng hành phát triển ngành nghề kiểm toán
    10 tháng trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Là tổ chức nghề nghiệp quốc tế về tài chính kế toán lâu đời nhất thế giới với hơn 142 năm phát triển, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) rất vinh dự được đồng hành với Kiểm toán nhà nước (KTNN) nói riêng và Việt Nam nói chung trong giai đoạn phát triển quan trọng của lĩnh vực tài chính.
  • Trách nhiệm giải trình trong kiểm toán môi trường
    10 tháng trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trách nhiệm giải trình (TNGT) về môi trường là biện pháp kiểm soát quyền lực hữu hiệu và là cơ chế tốt nhất mà Chính phủ có để đối phó với các vấn đề môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Một trong những công cụ để nâng cao TNGT của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chính là kiểm toán môi trường (KTMT).
Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công: Linh hoạt trong lựa chọn chủ đề và cách thức triển khai