Kinh tế Việt Nam đối mặt hàng loạt khó khăn

(BKTO) - Trong bối cảnh năm 2022 chỉ có 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt và vượt kế hoạch, đồng nghĩa với 2 chỉ tiêu không thể về đích thì hàng loạt những khó khăn đã bộc lộ và kéo dài đến hiện tại đang gia tăng sức ép lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều nỗi lo…

t10.jpg
Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh sưu tầm

Những điểm sáng tích cực

Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trước Quốc hội ngày 22/5, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng. CPI có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 632.500 tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu đạt 7,56 tỷ USD, trong khi cùng kỳ chỉ xuất siêu 2,25 tỷ USD).

Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Đáng chú ý, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phục hồi trong tháng 4, tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%; thu hút 3,7 triệu lượt khách quốc tế.

Những chuyển biến rõ nét cũng được thể hiện qua con số DN đăng ký thành lập mới tháng 4 đạt gần 16.000 DN, tăng 12,3% về số DN và 6,2% về vốn so với tháng trước. Tính chung số DN thành lập mới 4 tháng đạt gần 50.000 DN, tăng 0,6% so với cùng kỳ...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; nhiều DN FDI cho biết sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong một vài năm tới…

Các vấn đề tồn đọng như: Dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém tiếp tục được tập trung tháo gỡ; thị trường trái phiếu DN, bất động sản bước đầu đã có chuyển biến tích cực.

Kinh tế còn bất ổn, doanh nghiệp đứng trước nỗi lo

Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.

GDP quý I chỉ đạt 3,32%, thấp hơn kịch bản của Chính phủ. Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Tính chung 4 tháng, Chỉ số IIP vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI vẫn còn khó khăn. Vốn FDI đăng ký 4 tháng giảm 17,9%.

Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng giảm 2% (gần 78.900 DN) và DN rút lui khỏi thị trường tăng tới 25,1% (77.000 DN).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4%, nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… giảm mạnh.

Nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 15,1%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn gặp nhiều khó khăn.

Vốn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng tình trạng đơn hàng của các DN dệt may đang rơi vào tình trạng báo động.

Trong khi DN Việt Nam thiếu đơn hàng thì thị trường cạnh tranh là Bangladesh làm không kịp nghỉ - ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Với ngành thủy sản, nhiều DN đã ký đơn hàng nhưng đối tác chưa chịu nhập vì tồn kho của họ còn cao, kéo theo tồn kho của các DN Việt cũng rất lớn - theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam.

Khó khăn không chỉ dồn lên các DN xuất khẩu, mà còn thể hiện rõ với các DN hoạt động chủ yếu tại thị trường trong nước. Đơn cử như các DN ngành bất động sản đã phải kêu cứu khi mà thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc do không có thanh khoản, hàng tồn kho tăng cao, dẫn đến không có dòng tiền để duy trì hoạt động…

Minh chứng thêm cho những khó khăn của cộng đồng DN là tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/4 chỉ tăng 2,66%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vô cùng gian nan và khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế rất thấp. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, quá sức chịu đựng của nhiều DN.

Trước những khó khăn hiện hữu, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực để khơi thông những điểm nghẽn về thị trường, về vốn… - chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề nghị.

Bày tỏ quan điểm về những quyết sách của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho rằng, quyết định gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhưng cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, cũng như tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN./.

Cùng chuyên mục
Kinh tế Việt Nam đối mặt hàng loạt khó khăn