Cung ứng điện ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nguồn thủy điện

(BKTO) - Nắng nóng gay gắt xảy ra tại nhiều địa phương làm tăng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt. Cùng với đó, tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện mùa khô năm 2023 - đại diện của Bộ Công Thương thông tin.

1.jpg
Nhiều hồ thủy điện về dưới mực nước chết. Ảnh: EVN

Công suất khả dụng của thủy điện chỉ đạt 23,7%

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến ngày 06/6/2023, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết, như các hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng 02 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã xuống dưới mực nước chết. Chỉ duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước và có thể duy trì phát điện đến ngày 12-13/6.

Những yếu tố tiêu cực này đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt là ở miền Bắc với đặc trưng nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng lớn tới 43,6%.

Đại diện Bộ Công Thương cũng nêu rõ, theo tính toán, tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Trong khi đó, tính đến ngày 06/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp.

Căng thẳng về khả năng cung ứng điện phần nào được cải thiện nhờ vào các nguồn nhiệt điện than. Vừa qua, các đơn vị có liên quan đã nỗ lực cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, giúp đảm bảo đủ nhiên liệu than cho vận hành các nhà máy nhiệt điện với công suất huy động cao.

Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị. Có nhiều tổ máy nhiệt điện than còn bị sự cố dài ngày (01 tổ máy của Nhiệt điện Vũng Áng, 01 tổ máy của Nhiệt điện Phả Lại, 01 tổ máy của Nhiệt điện Cẩm Phả và 01 tổ máy của Nhiệt điện Nghi Sơn 2).

Ảnh hưởng có thể đong đếm rõ trong ngày 01/6, khi tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030 MW - ông Trần Việt Hòa chia sẻ.

Vì thế, tuy nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được đảm bảo nhưng cập nhật đến ngày 06/6, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW, chiếm khoảng 76,6% công suất lắp.

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo thông báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hiện nay, công suất khả dụng của hệ thống chỉ đạt 17.000 MW.

Trong những ngày nắng nóng, phụ tải tại thời điểm cao nhất có thể lên đến 20.000 MW, lượng công suất tiết giảm ở thời điểm cao nhất khoảng 30% công suất sử dụng.

Còn lượng công suất tiết giảm trung bình cả ngày chỉ ở mức xấp xỉ 6 -10%, tùy thuộc vào thời tiết trong ngày nóng hay mát. Nếu mát trời như ngày 06/6 thì công suất tiết giảm cũng chỉ khoảng 6%.

Nguồn cung căng thẳng, phải phân chia lĩnh vực ưu tiên cấp điện

Trao đổi về khả năng tăng nguồn cung điện cho miền Bắc thông qua phương thức truyền tải điện, ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh, tình hình truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung đã luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW), dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Vì thế, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc, bao gồm cả điện nhập khẩu, có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900 MW, tương đương khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong công suất này cũng đã bao gồm khoảng 2.500 đến 2.700 MW truyền tải điện từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc.

Dự báo, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên tới mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Do đó, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW, tương ứng với sản lượng không đáp ứng được trung bình khoảng 30,9 triệu kWh/ngày, thậm chí ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh. Thực tế này khiến hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.

Bởi nguồn cung căng thẳng, miền Bắc phải tiết giảm tiêu thụ điện ở nhiều địa phương nên ngành điện đã phải phân chia lĩnh vực ưu tiên cấp điện. Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh (EVN) thông tin: Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã lên phương án tính toán cụ thể.

Thứ nhất là ưu tiên cho khách hàng sử dụng điện quan trọng đã được tỉnh và thành phố phê duyệt; cũng như ưu tiên cho các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng.

Thứ hai là ưu tiên cho các khách hàng căn cứ vào thực tế của các địa phương như các đơn vị sản xuất các mặt hàng thiết yếu; các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động...

Những phương án, kế hoạch này đều được các đơn vị báo cáo lên UBND cấp tỉnh, thành phố và Sở Công Thương các địa phương để giám sát việc thực hiện.

Về giải pháp để cải thiện tình hình cung ứng điện, Bộ Công Thương yêu cầu phải duy trì độ sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố. Đồng thời vận hành hệ thống điện hợp lý; chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là tăng cường huy động điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Đến thời điểm này, EVN đã huy động 18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62 MW./.

Cùng chuyên mục
Cung ứng điện ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nguồn thủy điện