Hiện nay, Thành phố đang tập trung xây dựng các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Thành phố hợp tác, đầu tư phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn; các chương trình, dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Chính sách quản lý, khai thác, vận hành, hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin cũng đã được Thành phố xây dựng, trong đó tập trung quy định trình tự, thủ tục hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; quy định trình tự, thủ tục cho đối tác chiến lược thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; hỗ trợ chi phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng thông tin; sử dụng miễn phí mặt bằng tại Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.
Cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách, Thành phố đang hợp tác với các tập đoàn lớn để triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Tăng cường kết nối với 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin (CNTT) và các ngành gần liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn, như điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa; trong đó có 4 trường đại học trên địa bàn Thành phố công bố chỉ tiêu tuyển sinh mới kỹ sư ngành thiết kế vi mạch với gần 320 chỉ tiêu/năm.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại địa bàn cũng được TP. Đà Nẵng quan tâm chú trọng, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước. Dự kiến mục tiêu của Thành phố đến năm 2030, đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn; trong đó, gồm: 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế; 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.
Về chuẩn bị cơ sở hạ tầng phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Thành phố đã và đang chuẩn bị quỹ đất, các khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung, công viên phần mềm, khu công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các nhà đầu tư.
Hiện nay, 3 khu CNTT tập trung và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg về mở rộng Khu CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng. Theo đó, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 với tổng diện tích đất 28.573m², tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu) là phần mở rộng của Công viên phần mềm Đà Nẵng. Sau khi được mở rộng, Công viên phần mềm Đà Nẵng có diện tích sàn hơn 90.000m², đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự.
Thời điểm này, Thành phố đã chuẩn bị quỹ đất để đầu tư phát triển thêm 3 khu CNTT mới trong thời gian tới./.