Đảm bảo minh bạch, an toàn thông tin trong vận động bầu cử trực tuyến

(BKTO) - Đánh giá cao Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định hình thức vận động bầu cử trực tuyến, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần làm rõ nguyên tắc của hình thức vận động bầu cử này nhằm đảm bảo sự minh bạch, an toàn thông tin, tránh giả mạo.

202505211148378316_3f833fdf231f9641cf0e.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 các luật có liên quan để thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Các đại biểu cũng bày tỏ thống nhất xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung tại các Điều 65, Điều 66 của Luật hiện hành; theo đó các hình thức vận động bầu cử được quy định đa dạng hơn, như hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) đánh giá, việc quy định về vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến là một điểm tiến bộ và hiện đại hóa trong quá trình dân chủ. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa làm rõ nguyên tắc về vấn đề này để đảm bảo sự minh bạch, an toàn thông tin, tránh giả mạo. “Tại khoản 2 Điều 66 chỉ đề cập đến việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật, an toàn thông tin là chưa đủ. Việc mở rộng hình thức tổ chức trực tuyến là tích cực, nhưng hiện nay chưa có quy định kỹ thuật nào đảm bảo an toàn về thông tin xác thực người tham gia và ghi nhận ý kiến cử tri hoặc lưu trữ kết quả hợp lệ” - đại biểu Mạnh nêu ý kiến.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định “Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm ban hành quy định kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin, xác nhận danh tính và lưu trữ nội dung hội nghị, tiếp xúc cử tri tổ chức theo hình thức trực tuyến và giao cho Chính phủ hoặc Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn hệ thống lưu trữ và kiểm tra tính hợp lệ”.

202505211042001069_0819f3bed57f6021396e.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Cũng đồng tình với việc sửa đổi Luật hiện hành theo hướng quy định các hình thức vận động bầu cử trực tiếp kết hợp với trực tuyến, bổ sung quy định về tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm sẵn sàng ứng phó với trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra, song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định này chỉ dùng cho lúc dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt.

“Trường hợp thông thường, tôi đề nghị nên tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt những đại biểu tham gia ứng cử, giới thiệu lần đầu phải đến trực tiếp nơi mình tham gia ứng cử để giới thiệu về mình. Cử tri cũng muốn biết mặt của đại biểu đó như thế nào, ra làm sao. Nếu theo hình thức trực tuyến, hiện nay, đường truyền chúng ta không ổn định, nên theo tôi chỉ có những trường hợp dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt mới làm trực tuyến, còn không tất cả đều phải trực tiếp để cho cử tri biết đại biểu và đại biểu gặp cử tri để vận động về mình” - đại biểu Hòa nói.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) thì đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định thêm về việc người ứng cử tự vận động bầu cử thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội. “Trong các cuộc bầu cử gần đây, có các hiện tượng người ứng cử tự đăng thông tin và chương trình hành động lên các trang cá nhân của mạng xã hội như Facebook hay Zalo. Vì vậy, Dự thảo Luật nên có sự điều chỉnh về vấn đề này./.

Cùng chuyên mục
  • "Bộ tứ trụ cột" giúp Việt Nam cất cánh
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW là "bộ tứ trụ cột" giúp đất nước cất cánh. Vì vậy, Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp
    hôm qua Chính trị
    (BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp.
  • Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
    2 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25-27/5/2025.
  • Chính thức rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV
    2 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng nay, 21/5, với 449/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93,93% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
  • Khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/12
    2 ngày trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều tối 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt - chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, đơn vị liên quan để rà soát việc triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Đảm bảo minh bạch, an toàn thông tin trong vận động bầu cử trực tuyến