Tạo hành lang pháp lý phát triển ngân hàng số

(BKTO) - Theo các đại biểu Quốc hội, quy định trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phản ánh đúng thực tiễn về xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay…

db-hoang-van-cuong.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại Tổ về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Đ. KHOA

Kiểm soát hệ thống tín dụng bằng ứng dụng chuyển đổi số

Chiều 05/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm tạo môi trường pháp lý cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đồng tình quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng đối tượng áp dụng Dự thảo Luật không nên chỉ dừng lại ở các TCTD truyền thống mà cần mở rộng phạm vi đối tượng đến hoạt động của các công ty công nghệ tài chính (Fintech).

Đặc biệt, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Dự thảo Luật cần tập trung điều chỉnh vấn đề chuyển đổi số; tăng cường công cụ kiểm soát hệ thống tín dụng bằng ứng dụng chuyển đổi số.

Theo đại biểu, việc kiểm soát hoạt động của các TCTD hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều lần so với trước đây.

Trước đây Ngân hàng nhà nước phải ngồi chờ hàng ngày các TCTD báo cáo thông tin thì mới biết các TCTD hoạt động ra sao.

Nhưng hiện nay, nếu thực hiện tốt chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thì bất kể một nghiệm vụ tài chính phát sinh, một khoản tiền gửi vào hay xuất ra của một TCTD nào đó thì ngay lập tức bộ phận kiểm soát của ngân hàng trung ương đều biết được.

Như vậy, bộ phận kiểm soát sẽ biết ngay TCTD nào có nguy cơ mất khả năng thanh khoản, mất an toàn hoặc có hiện tượng không cân đối dòng tiền…

“Hiện Dự thảo Luật có rất ít nội dung đề cập đến vấn đề này. Tôi kỳ vọng Luật sửa đổi lần này phải tập trung nhiều nội dung điều chỉnh về vấn đề ngân hàng số, chuyển sang giao dịch điện tử. Đặc biệt phải tăng cường công cụ kiểm soát hệ thống tín dụng bằng hệ thống giao dịch kiểm soát điện tử. Nếu làm được việc này thì sẽ không để đến mức xảy ra rủi ro, mất an toàn mới can thiệp” - đại biểu nhấn mạnh.

Tương tự, liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, đại biểu Cường nhìn nhận, đây là một vấn đề nhức nhối hiện nay và chưa có giải pháp quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số tốt thì sẽ kiểm soát ngay được dòng tiền và sẽ kiểm soát hiệu quả tình trạng sở hữu chéo.

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) nhận xét, Dự thảo Luật chỉ có một điều quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và về cơ bản nội dung không có gì thay đổi so với quy định của Luật hiện hành.

Theo đại biểu, quy định này cũng không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay, khi đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số do các TCTD phối hợp với các công ty Fintech cung cấp.

Đại biểu kiến nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về ngân hàng số nhằm khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu chỉ rõ, do hệ thống tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vay nhanh, vay ngắn hạn nên người dân mới phải tìm đến tín dụng đen. Các TCTD hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vay ngắn hạn vì đều có thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, trong khi vay tín chấp cá nhân thường gặp nhiều rủi ro.

Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, phải ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch để giải quyết tận gốc vấn đề tín dụng đen. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.

Quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động mua, bán nợ

Quan tâm đến các quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến đề nghị tiếp tục mở rộng đối tượng áp dụng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Đồng ý với đề nghị trên nhưng Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, việc mở rộng đối tượng phải kèm theo một số điều kiện.

Theo Bộ trưởng, Luật Đầu tư năm 2020 không coi hoạt động kinh doanh mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức, đặc biệt là xử lý nợ xấu của các TCTD cần được đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tính an toàn của hệ thống.

“Tôi đề nghị nghiên cứu, cân nhắc, xem xét đưa các hoạt động này vào là hoạt động kinh doanh có điều kiện” - Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc xử lý nợ xấu, xử lý TCTD yếu kém muốn nhanh chóng và hiệu quả, cần đảm bảo hai yếu tố: có đủ nguồn lực và thời gian xử lý phải nhanh.

Đại biểu đề xuất, Dự thảo Luật cần có quy định và sau đó Quốc hội, Chính phủ cần có các quyết sách và điều chỉnh các pháp luật liên quan về cơ chế tài chính, nguồn và ngân sách năm; quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi hỗ trợ xử lý nợ xấu; có cơ chế tạo lập và phát triển được thị trường mua bán nợ xấu; cần bổ sung điều cấm và chế tài đối với các hành vi của tổ chức, cá nhân là khách hàng để xảy ra nợ xấu, làm cho việc xử lý nợi xấu bị khó khăn, kéo dài…

Cùng chuyên mục
Tạo hành lang pháp lý phát triển ngân hàng số