Bài 2: Ngăn rủi ro tín dụng - Cần cơ chế giám sát hiệu quả

(BKTO) - Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN), một trong những biện pháp để ngăn ngừa rủi ro tín dụng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xây dựng tiêu chí giám sát và công khai chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế cũng như các tổ chức tín dụng.

scb.jpg
Để ngăn ngừa rủi ro tín dụng, theo các chuyên gia, điều quan trọng là tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát.
Ảnh sưu tầm

Bối cảnh của năm 2021 cùng những phân tích của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã phần nào lý giải vì sao tín dụng lại chảy mạnh vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như phản ánh từ kết quả kiểm toán.

Tăng cường kiểm soát, giám sát

Từ những phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị NHNN tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, NHNN cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tăng trưởng tín dụng, xây dựng tiêu chí giám sát và công khai chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế cũng như các tổ chức tín dụng.

Cũng từ kết quả kiểm toán, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, BĐS là khu vực thu hút rất nhiều nguồn lực. Trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế, chúng ta cần có kiểm soát nhưng kiểm soát như thế nào để tránh thắt chặt nguồn lực đầu tư, không gây đình trệ các dự án và kìm hãm sự phát triển? Nếu những dự án đó chưa có khả năng thanh khoản mà chúng ta tiếp tục rót vốn thì dòng tiền lại hút vào lĩnh vực đó và sẽ làm tiêu tốn nguồn lực của nền kinh tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: 

"Việc kiểm soát hoạt động tín dụng hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều nhờ chuyển đổi số, song Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng tại Điều 96 là không đủ. Dự thảo Luật cũng nên nhấn mạnh hơn đến phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng, thay vì để xảy ra rủi ro mới đi xử lý".

hoang-van-cuong.jpeg
Đại biểu Hoàng Văn Cường: “Từ kết quả kiểm toán, chúng ta cần phải có đánh giá, phân loại rất cặn kẽ đối với các lĩnh vực đầu tư và BĐS để có giải pháp phục hồi nền kinh tế và để dòng vốn không bị “chôn”
vào các lĩnh vực này”. Ảnh sưu tầm

Bài học về kiểm tra, giám sát để phòng ngừa rủi ro tín dụng mà đại biểu Hoàng Văn Cường đúc kết cũng là vấn đề mà TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - lưu ý với cả nhà băng và cơ quan điều hành.

vo-tri-thanh.jpg
TS. Võ Trí Thành: “Công tác giám sát và những chính sách điều tiết để hạn chế rủi ro có thể phát sinh là vấn đề cần được đặt ra đằng sau câu chuyện tăng trưởng tín dụng mà chúng ta đề cập”. Ảnh sưu tầm

Cụ thể, với các nhà băng, theo TS. Võ Trí Thành, cho vay là hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bản thân các hoạt động này vốn tiềm ẩn những rủi ro đòi hỏi các nhà băng phải xem xét, đánh giá thận trọng, đánh giá lại hệ thống quản trị để có phương án cải thiện nếu cần thiết.

Với NHNN, cần hướng dòng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, NHNN phải xem xét, rà soát các chính sách, nếu chính sách đã có rồi thì cần đánh giá hiệu lực, hiệu quả thực thi đến đâu, công tác giám sát việc thực hiện chính sách đã thực sự tốt hay chưa.

Có nên bỏ room tín dụng?

Để tăng cường kiểm soát tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, một trong những công cụ mà NHNN áp dụng là đưa ra hạn mức (room) tín dụng đối với mỗi ngân hàng nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng tốt hơn, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống.

Một trong những quy định tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần hạn chế rủi ro tín dụng là giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. Đồng tình với nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, nếu xét theo số tuyệt đối thì vốn tín dụng cấp cho một khách hàng tại một tổ chức tín dụng tính theo giới hạn cấp tín dụng quy định tại Dự thảo Luật hiện nay vẫn lớn hơn rất nhiều so với giới hạn vốn tín dụng được xác định tại thời điểm ban hành Luật hiện hành. Việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không làm hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất, kinh doanh mà ngược lại, giúp nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Đối với các trường hợp cần cho vay vượt mức giới hạn, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể lựa chọn tăng vốn tự có, vốn được cấp hoặc cấp tín dụng hợp vốn với tổ chức tín dụng khác hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn.

Với biện pháp này, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm: “Về nguyên tắc thị trường, không cần phải dùng hạn mức tín dụng. Nhưng trước mắt, chúng ta vẫn cần công cụ này vì nhiều lý do và để cải thiện một số vấn đề vốn cần nhiều thời gian, trong đó có việc đảm bảo hoạt động ngân hàng được lành mạnh, an toàn”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - lại cho rằng, NHNN nên bỏ room tín dụng và hãy để cho các ngân hàng tự quyết định hạn mức tăng trưởng tín dụng của mình. Các ngân hàng chỉ có thể đưa ra mức tăng trưởng cao khi sức khỏe tài chính của họ đảm bảo. Nếu tăng trưởng nóng, ngân hàng có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường về nợ xấu.

Nhấn mạnh kiểm soát tăng trưởng tín dụng là rất cần thiết để tăng trưởng đó phải đúng với thực lực của ngân hàng, bảo đảm an toàn nguồn vốn cho vay và không gây hệ lụy cho sự an toàn của hệ thống nhưng đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường vẫn trăn trở: “Kiểm soát tăng trưởng tín dụng như thế nào là điều mà chúng ta cần phải nghiên cứu rộng hơn chứ không chỉ cứng nhắc theo room tín dụng”.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về điều hành tín dụng, một kiểm toán viên nhà nước từng tham gia các đoàn kiểm toán lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết, các quốc gia phát triển trên thế giới có cơ chế quản lý và giám sát tốt không áp dụng room tín dụng đối với mỗi ngân hàng.

Ở Việt Nam, trước mắt, có thể chưa bỏ hoàn toàn room tín dụng nhưng đối với một số ngân hàng được xếp hạng tốt, NHNN nên nghiên cứu, xem xét, cho phép các ngân hàng tự quyết định mức tăng trưởng tín dụng và có thể kiểm soát hoạt động này bằng các công cụ khác. Những ngân hàng chưa được xếp hạng tốt thì vẫn cần có hạn mức tín dụng.

Như vậy, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay của các ngân hàng và tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là điều cần thiết. Thế nhưng, kiểm soát mà vẫn phải đảm bảo hài hòa nhiều mục tiêu lại là bài toàn điều hành không hề đơn giản đối với NHNN…

(Còn tiếp)

Cùng chuyên mục
Bài 2: Ngăn rủi ro tín dụng - Cần cơ chế giám sát hiệu quả