Đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư

(BKTO) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các dự án quan trọng quốc gia…

Sáng 22/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát - chủ trì cuộc làm việc.

220320240813-z5272730144743_fb6de35178951f70dc659e5497bdf792.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn Giám sát tổ chức làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan về nội dung chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Thời gian qua, Đoàn Giám sát đã giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam, làm việc với 12 Bộ, ngành, cơ quan. Tại phiên họp này, Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan để nghe báo cáo tổng hợp của Chính phủ về các nội dung giám sát.

Trên cơ sở kết quả làm việc, cùng với kết quả giám sát tại các địa phương, Bộ, ngành, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, Đoàn giám sát sẽ xây dựng báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Qua đó, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19.

220320240112-z5273357874482_038fabc8e373f0def77af262812e186a(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Về thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, việc triển khai các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; đồng thời, xác định sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện, cố gắng giải ngân tối đa vốn Chương trình trong năm 2024. Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, định mức dự toán, đơn giá, mỏ vật liệu xây dựng của một số dự án quan trọng quốc gia.

Tham gia thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Một nguồn lực lớn của Chương trình phục hồi và nguồn ngân sách nhà nước đã dành để đầu tư các dự án quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực giao thông.

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra, việc phân bổ vốn đầu tư chậm, kéo dài, nhiều lần danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh; triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm, không bảo đảm hoàn thành theo thời hạn đã đề ra. Việc điều hòa giữa vốn của Chương trình và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm trễ, chưa hiệu quả nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn; các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc; công tác giải phóng mặt bằng có dự án không đáp ứng tiến độ…

220320240811-z5272730117839_d5f4595ac9dd5e2c6e8fd8a20b125d53.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, thực tế cho thấy còn những khó khăn, bất cập, hạn chế việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và một số dự án quan trọng quốc gia; trong đó, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu của Nghị quyết 43/2022/QH15.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình và các dự án quan trọng quốc gia; về phân cấp cho địa phương làm chủ quản dự án; việc thực hiện chỉ định thầu, khai thác các mỏ vật liệu; cơ chế phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản một số dự án…

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát lại bố cục, thông tin, số liệu, đánh giá, nhận định, nêu địa chỉ cụ thể, hoàn thiện các phụ lục, tránh để trùng lặp, không thống nhất; hoàn thiện những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh tình hình mới hiện nay gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách.

Cùng chuyên mục
Đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư