Đánh giá rủi ro: Chìa khóa để thực hiện hiệu quả cuộc kiểm toán

(BKTO) - Đánh giá rủi ro được xem là bước cực kỳ quan trọng trong một cuộc kiểm toán. Đây là chìa khóa để xây dựng kế hoạch với các thủ tục kiểm toán phù hợp nhất nhằm giúp cuộc kiểm toán đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, việc đánh giá rủi ro cũng là cơ sở để kiểm toán viên (KTV) xem xét thời gian và số lần xoay vòng cuộc kiểm toán tiếp theo.




Việc tuân thủ các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro giúp KTV xác định trọng tâm của các thủ tục một cách chính xác khi lập kế hoạch kiểm toán. Ảnh tư liệu

Đánh giá rủi ro giúp xác định đúng trọng tâm kiểm toán

Theo Chuẩn mực kiểm toán số 145 - Tìm hiểu đơn vị/môi trường của đơn vị và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu (SAS 145) do Hội đồng Chuẩn mực kiểm toán (ASB), Viện Kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA) ban hành, sự hiểu biết tổng thể về hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) của đơn vị được thể hiện thông qua việc hiểu và đánh giá các khía cạnh nhất định của từng bộ phận sau: Môi trường kiểm soát, Quy trình đánh giá rủi ro của đơn vị, Quy trình giám sát hệ thống KSNB của đơn vị, Hệ thống thông tin và truyền thông, Hoạt động kiểm soát. Sự hiểu biết về các kiểm soát và hệ thống KSNB giúp KTV nhận ra các rủi ro gian lận tiềm ẩn và lỗ hổng trong KSNB có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu.

KTV cần lưu ý rằng, tất cả các cuộc phỏng vấn thông qua hội nghị truyền hình, kiểm tra và xác minh tài liệu từ xa đều có thể cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Nhưng những phương pháp này cần được xem xét cẩn thận vì có rủi ro tiềm ẩn. Hoặc trong trường hợp KTV kiểm đếm hàng tồn kho qua camera thì cần có thêm một cá nhân khác (có thể là lãnh đạo) giám sát chặt chẽ để đảm bảo ghi nhận số lượng chính xác.

Bên cạnh đó, các công cụ trực quan hóa đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đánh giá rủi ro thông qua việc chuyển đổi một loạt các con số thành một bức tranh sống động, thể hiện rõ những rủi ro cần phân tích sâu và các thủ tục kiểm toán phù hợp. Việc có thể thu thập tất cả dữ liệu cơ bản và phân tích thông qua các quy trình khác nhau là tiền đề quan trọng để KTV có được nhiều thông tin chi tiết về những khu vực cần chú ý trong cuộc kiểm toán và nơi tiềm ẩn nhiều sai sót.

Ngoài ra, KTV cũng được khuyến nghị phải hiểu rõ khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính, nhất là nội dung liên quan đến khách hàng và KSNB của khách hàng đó. Việc hiểu rõ hơn về một khách hàng cụ thể và cách thức hoạt động của các hợp đồng sẽ giúp KTV đánh giá về việc liệu doanh thu có được ghi nhận đúng theo các quy tắc kế toán hay không. Từ đó, KTV được cung cấp thêm thông tin về các rủi ro liên quan đến khách hàng và cách họ cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm.

Thực tế cho thấy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn đánh giá rủi ro giúp KTV xác định trọng tâm của các thủ tục một cách chính xác khi lập kế hoạch kiểm toán. Quan trọng hơn cả, dựa trên rủi ro, KTV sẽ tiết kiệm thời gian và phân công nguồn lực hợp lý cho từng lĩnh vực kiểm toán. Không chỉ vậy, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro cũng tạo điều kiện cho việc giám sát và xem xét hiệu quả của từng cuộc kiểm toán.

Lưu ý những lĩnh vực rủi ro cao

Theo các chuyên gia của AICPA, việc xác định các rủi ro trọng yếu trong một cuộc kiểm toán đòi hỏi KTV phải có sự đánh giá tổng thể toàn đơn vị, tuy nhiên, sẽ có một số lĩnh vực nhất định cần được xem xét kỹ lưỡng hơn trong quá trình đánh giá. Cụ thể, với định giá tài sản, KTV phải phát huy tối đa khả năng phán đoán và hiểu rõ phương pháp này. Các xét đoán KTV cần lưu ý là: Công cụ tài chính khó định giá, tài sản tồn tại lâu với các chỉ số suy giảm giá trị, các khoản phải thu của bên liên quan và hàng tồn kho lỗi thời.

Giao dịch tự động cũng là một điểm cần KTV theo dõi chặt chẽ bởi khi các giao dịch không còn dấu vết trên giấy, KTV sẽ phải tập trung vào môi trường tự động hóa. Đối với các giao dịch tồn tại dưới dạng điện tử, KTV buộc phải am hiểu sâu hơn và áp dụng các biện pháp kiểm soát xử lý thông tin.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn, KTV cần đặc biệt xem xét và đánh giá khả năng hoạt động liên tục của ban lãnh đạo. Nếu phát sinh nghi ngờ về tính hiệu quả và sự tuân thủ pháp luật trong các chỉ đạo, điều hành hoặc hành vi có thể dẫn đến sai phạm của cá nhân trong ban lãnh đạo, KTV cần đánh giá sâu hơn và xác định xem liệu có nên đưa các thông tin này vào báo cáo kiểm toán hay không.

Bên cạnh đó, KTV cũng không thể bỏ qua việc kiểm tra hiệu quả hoạt động của các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu rủi ro hoặc tiến hành các thử nghiệm mới nhằm đánh giá khả năng ứng phó với các loại rủi ro, nhất là rủi ro đã hiện hữu nhưng khó thay đổi. Ngoài ra, hành động này còn giúp KTV hiểu sâu hơn về các quy trình và kiểm soát được tất cả các thành phần của KSNB, từ đó thiết lập một cách tiếp cận kiểm toán hiệu quả./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán báo cáo tài chính: Đặt môi trường làm trọng tâm
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý, đối tác và khách hàng. Vì vậy, các báo cáo tài chính (BCTC) không thể bỏ qua việc truyền đạt thông tin về những rủi ro liên quan đến ESG cũng như các kế hoạch để giải quyết chúng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các kiểm toán viên (KTV) phải đặt ESG làm trọng tâm khi kiểm toán BCTC.
  • Kiểm soát từ sớm, từ xa để phòng ngừa, nâng cao chất lượng kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhấn mạnh chất lượng kiểm toán, kỷ luật công vụ, đạo đức nghề nghiệp là mục tiêu hàng đầu, nhất là trong bối cảnh nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng nặng nề, yêu cầu đối với KTNN ngày càng cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải tuân thủ đúng các quy trình, chuẩn mực khi thực hiện kiểm toán; đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm kịp thời ngăn ngừa rủi ro, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
  • PASAI: Đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo trực tuyến
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Mới đây, Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Thái Bình Dương (PASAI) đã có báo cáo trình bày kết quả của quá trình áp dụng các thông lệ tốt nhất để thúc đẩy quá trình đào tạo, học tập trong Tổ chức. Khi đại dịch Covid-19 khiến việc di chuyển trên phạm vi quốc tế bị dừng lại, Tổ chức không thể đào tạo trực tiếp, chia sẻ chương trình cho các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên mà chuyển đổi thành phương thức đào tạo trực tuyến để tiếp tục củng cố năng lực của các SAI tại Thái Bình Dương.
  • Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong công tác đoàn và phong trào thanh niên
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Các chi đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước (KTNN) căn cứ vào điều kiện cụ thể tại đơn vị, đề xuất, báo cáo, xin ý kiến thủ trưởng đơn vị triển khai ít nhất 1 sáng kiến áp dụng giải pháp từ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đơn vị hoặc chi đoàn, góp phần tích cực vào nỗ lực chuyển đổi số của đơn vị.
  • Hình ảnh Đoàn Kiểm toán nhà nước Lào thăm và làm việc tại KTNN Việt Nam
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều ngày 6/9, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn đã tiếp Đoàn Kiểm toán nhà nước Lào do ông Viêng-thạ-vi-xỏn Thệp-phạ-chăn - Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào dẫn đầu, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Đánh giá rủi ro: Chìa khóa để thực hiện hiệu quả cuộc kiểm toán