Kiểm toán báo cáo tài chính: Đặt môi trường làm trọng tâm

(BKTO) - Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý, đối tác và khách hàng. Vì vậy, các báo cáo tài chính (BCTC) không thể bỏ qua việc truyền đạt thông tin về những rủi ro liên quan đến ESG cũng như các kế hoạch để giải quyết chúng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các kiểm toán viên (KTV) phải đặt ESG làm trọng tâm khi kiểm toán BCTC.




Các kiểm toán viên phải đặt ESG làm trọng tâm khi kiểm toán báo cáo tài chính. Ảnh tư liệu

Theo các báo cáo của Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán tài chính (FASB), ESG có mối liên hệ mật thiết và ảnh hưởng lớn đến BCTC. Đối với mỗi tổ chức và các nhà đầu tư, từng thành phần của ESG sẽ được quan tâm ở mức độ khác nhau.

Tập trung vào yếu tố môi trường

Mặc dù ESG bao gồm nhiều vấn đề và chúng đều có khả năng ảnh hưởng đến tài chính của một tổ chức nhưng trong bối cảnh hiện nay, vấn đề được các KTV quan tâm nhiều nhất là ảnh hưởng của môi trường. Đây cũng là nội dung khó với KTV bởi các đánh giá không chỉ dừng lại ở mức kiểm tra hay soát xét các cam kết được thực hiện theo tiêu chuẩn hoặc quy định về ESG.

Theo FASB, ảnh hưởng của các vấn đề liên quan đến khí hậu trên BCTC và đánh giá bên ngoài có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ tài trợ hoặc đầu tư vào nông nghiệp…, các vấn đề liên quan đến khí hậu tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào, khách hàng, tài chính, bảo hiểm, thậm chí là tuân thủ luật và quy định hiện hành.

Trong các trường hợp này, KTV sẽ phải bám sát và trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp để nắm bắt thông tin về các vấn đề liên quan đến khí hậu có thể ảnh hưởng đến BCTC của đơn vị, từ đó đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và xem xét việc có cần phản ánh các nội dung này trong BCTC. Đồng thời, KTV cũng phải đánh giá phản ứng của ban lãnh đạo đối với các vấn đề liên quan đến môi trường trong quá trình kiểm toán BCTC để đưa ra các thông tin và kiến nghị phù hợp về trách nhiệm của họ trong việc chuẩn bị tài chính, ban hành chính sách, chỉ đạo thực hiện và công bố thông tin.

Ở chiều ngược lại, các thành viên trong ban quản trị cũng muốn thảo luận những nội dung trên với KTV để hiểu rõ hơn về các rủi ro liên quan đến môi trường và chia sẻ thông tin chi tiết hỗ trợ cho việc đánh giá của KTV. Một cuộc kiểm toán BCTC hiệu quả chắc chắn phải có những cuộc đối thoại hai chiều giữa những người chịu trách nhiệm quản trị và KTV để hai bên đều hiểu cách xác định các rủi ro, phạm vi của cuộc kiểm toán với từng vấn đề cụ thể.

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý cũng là một nội dung KTV cần quan tâm, nhất là trong bối cảnh các quy định liên quan đến ESG và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung. Các quy định nhằm vào việc giảm phát thải carbon thông qua đánh thuế hoặc sử dụng sản phẩm thay thế bền vững sẽ ảnh hưởng lớn đến đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp, từ đó tác động đến cơ chế điều hành, đầu tư, huy động vốn và BCTC. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo và KTV phải hiểu tình trạng hiện tại của doanh nghiệp để xem xét các rủi ro và cơ hội trong tương lai.

Nâng cao hiểu biết về đơn vị được kiểm toán

Các rủi ro liên quan đến môi trường có thể ảnh hưởng đến việc xác định tính trọng yếu của cuộc kiểm toán. Vì vậy, KTV phải hiểu biết về đơn vị và môi trường hoạt động của nó, bao gồm cả kiểm soát nội bộ của đơn vị. Đặc biệt, KTV phải hiểu cách quản lý, ứng phó với rủi ro về môi trường của doanh nghiệp để xác định và đánh giá ảnh hưởng của những rủi ro này có làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC hay không. Từ đó, KTV tư vấn, khuyến nghị các hành động thích hợp để giải quyết và giảm thiểu rủi ro đã xác định.

Các thông tin KTV cần thu thập bao gồm: Đơn vị có xem xét hay không và xem xét như thế nào về rủi ro, cơ hội liên quan đến môi trường; mức độ hiểu biết và nhận thức của ban quản lý về ảnh hưởng của môi trường đến doanh nghiệp; đơn vị có xem xét các ảnh hưởng của điều kiện kinh tế vĩ mô (chẳng hạn như lạm phát) do vấn đề môi trường tác động đến doanh nghiệp (thiếu hụt nguyên liệu, giá sản phẩm tăng, người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác…); việc quản lý quy trình từ sản xuất đến bán sản phẩm bị ảnh hưởng do các quy định về môi trường; tác động tài chính của các rủi ro đã được xác định và dự báo như thế nào khi lập BCTC; Ban quản lý đã làm gì để đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến ESG và công khai thông tin trên BCTC…

Để có thể thu thập đầy đủ và chính xác nhất các thông tin trên, KTV cần chủ động trao đổi, phỏng vấn cá nhân hay các nhóm làm việc về tài chính, pháp lý hoặc phát triển sản phẩm của tổ chức. Ngoài ra, KTV cần đánh giá cả nguồn thông tin bên trong và bên ngoài (thông tin liên quan đến ESG được tiết lộ trong các báo cáo khác hoặc được quản lý truyền thông qua thông cáo báo chí và trang web). Các thông tin thu thập được sẽ là cơ sở cho việc xác định các rủi ro ảnh hưởng đến đơn vị và BCTC, từ đó thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp với bản chất, thời gian, mức độ rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá./.
         
Theo FASB, mối quan tâm đối với mỗi thành phần của ESG thường bao gồm: Môi trường liên quan đến quản lý rủi ro và cơ hội về khí hậu, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, chất thải; xã hội (thông tin về các giá trị và mối quan hệ kinh doanh của tổ chức, chất lượng và an toàn sản phẩm, vốn con người, sự đa dạng và hòa nhập); quản trị (thông tin về hệ thống các quy tắc, thông lệ, quy trình được kiểm soát, điều hành của ban giám đốc, khả năng phục hồi, các chính sách và thực tiễn liên quan đến chống hối lộ, tham nhũng…).

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
  • Đánh giá rủi ro: Chìa khóa để thực hiện hiệu quả cuộc kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đánh giá rủi ro được xem là bước cực kỳ quan trọng trong một cuộc kiểm toán. Đây là chìa khóa để xây dựng kế hoạch với các thủ tục kiểm toán phù hợp nhất nhằm giúp cuộc kiểm toán đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, việc đánh giá rủi ro cũng là cơ sở để kiểm toán viên (KTV) xem xét thời gian và số lần xoay vòng cuộc kiểm toán tiếp theo.
  • Kiểm soát từ sớm, từ xa để phòng ngừa, nâng cao chất lượng kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhấn mạnh chất lượng kiểm toán, kỷ luật công vụ, đạo đức nghề nghiệp là mục tiêu hàng đầu, nhất là trong bối cảnh nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng nặng nề, yêu cầu đối với KTNN ngày càng cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải tuân thủ đúng các quy trình, chuẩn mực khi thực hiện kiểm toán; đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm kịp thời ngăn ngừa rủi ro, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
  • PASAI: Đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo trực tuyến
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Mới đây, Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Thái Bình Dương (PASAI) đã có báo cáo trình bày kết quả của quá trình áp dụng các thông lệ tốt nhất để thúc đẩy quá trình đào tạo, học tập trong Tổ chức. Khi đại dịch Covid-19 khiến việc di chuyển trên phạm vi quốc tế bị dừng lại, Tổ chức không thể đào tạo trực tiếp, chia sẻ chương trình cho các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên mà chuyển đổi thành phương thức đào tạo trực tuyến để tiếp tục củng cố năng lực của các SAI tại Thái Bình Dương.
  • Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong công tác đoàn và phong trào thanh niên
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Các chi đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước (KTNN) căn cứ vào điều kiện cụ thể tại đơn vị, đề xuất, báo cáo, xin ý kiến thủ trưởng đơn vị triển khai ít nhất 1 sáng kiến áp dụng giải pháp từ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đơn vị hoặc chi đoàn, góp phần tích cực vào nỗ lực chuyển đổi số của đơn vị.
  • Hình ảnh Đoàn Kiểm toán nhà nước Lào thăm và làm việc tại KTNN Việt Nam
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều ngày 6/9, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn đã tiếp Đoàn Kiểm toán nhà nước Lào do ông Viêng-thạ-vi-xỏn Thệp-phạ-chăn - Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Lào dẫn đầu, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Kiểm toán báo cáo tài chính: Đặt môi trường làm trọng tâm