Đánh giá thường xuyên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán

(BKTO) - Từ ngày 12 - 20/02/2023, lần đầu tiên, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức một Kỳ thi có quy mô và chuyên nghiệp để đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm toán viên (KTV) trên phạm vi toàn Ngành, tiến tới việc tổ chức định kỳ hằng năm và hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của KTNN trong thời gian tới. Để tổ chức được Kỳ thi này, KTNN đã có sự chuẩn bị công phu và trách nhiệm trong 2 năm qua.

3(2).jpg
Các KTV tham gia Kỳ thi đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ năm 2023. 
Ảnh: Nguyễn Ly

Đảm bảo bao phủ toàn diện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ 

“Nguồn nhân lực” là 1 trong 3 trụ cột phát triển quan trọng được xác định trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Theo đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, KTV, góp phần phát triển KTNN xứng đáng là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, việc đào tạo, đánh giá trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu cần thiết và phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Để đáp ứng yêu cầu trên, ngày 26/10/2021, KTNN đã ban hành Quyết định số 1801/QĐ-KTNN về Quy định đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Tiếp đó, ngày 04/11/2021, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 1889/QĐ-KTNN thành lập Ban xây dựng nội dung đánh giá và ngân hàng câu hỏi phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN (Ban xây dựng nội dung). Ban xây dựng nội dung bao gồm đội ngũ chuyên gia là lãnh đạo các đơn vị, các KTV cao cấp giàu kinh nghiệm. 

8.png
Các Tiểu ban và Tổ thẩm định thảo luận về hệ thống câu hỏi, đáp án phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly

Nhất quán với quan điểm chỉ đạo từ người đứng đầu là Tổng Kiểm toán nhà nước, Ban xây dựng nội dung tập trung vào mục tiêu hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức, KTV tự nghiên cứu, cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đắc lực cho hoạt động kiểm toán.

Các kiến thức được đưa vào nội dung đánh giá đảm bảo bao phủ tất cả các lĩnh vực kiểm toán và được cập nhật thường xuyên theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, cũng như các quy định, hướng dẫn, chuẩn mực của KTNN.

Đặc biệt, nội dung các câu hỏi cập nhật kiến thức không phải chỉ để phục vụ cho các kỳ đánh giá năng lực mà quan trọng hơn là công cụ hữu hiệu giúp KTV chủ động, thường xuyên ôn luyện, tự bổ sung kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán.

Ban xây dựng nội dung bao gồm 5 Tiểu ban thực hiện biên soạn ngân hàng câu hỏi theo các nhóm: Kiến thức chung về KTNN; Quy trình kiểm toán, chuẩn mực KTNN, lập và thẩm định báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán; Kỹ năng kiểm toán ngân sách nhà nước; Kỹ năng kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; Kỹ năng kiểm toán doanh nghiệp và tài chính ngân hàng. 

Trải qua 6 phiên họp toàn thể và hàng chục phiên họp, thảo luận của 5 Tiểu ban, hệ thống ngân hàng câu hỏi được hoàn thiện với 1.808 câu hỏi, bao gồm các kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành theo cơ cấu 7 lĩnh vực kiểm toán. Trước khi hoàn thiện trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành chính thức hệ thống ngân hàng câu hỏi và đáp án, Ban xây dựng nội dung và Tổ thẩm định liên tục rà soát, chỉnh sửa, tổ chức ôn tập và thi thử, đánh giá chất lượng các câu hỏi.

Những nỗ lực trên của Ban xây dựng nội dung đã được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ghi nhận và đánh giá cao tại Lễ khai mạc Kỳ thi đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ năm 2023. 

t1.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu Hội đồng kiểm soát chặt chẽ Kỳ thi, đảm bảo công tâm, khách quan, công khai, minh bạch. Ảnh: Nguyễn Ly

“Việc KTNN ban hành nội dung đánh giá và ngân hàng 1.808 câu hỏi phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán, đồng thời tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực toàn Ngành là bước đầu để hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của KTNN trong thời gian tới” - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ

Song hành với việc xây dựng nội dung ngân hàng câu hỏi, lãnh đạo KTNN đã giao nhiệm vụ cho 3 đơn vị gồm Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm Tin học và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp xây dựng một hệ thống phần mềm tích hợp 1.808 câu hỏi hỗ trợ việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán.

4(2).jpg
KTNN xây dựng phần mềm để đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán cho KTV. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo Giám đốc Trung tâm Tin học Phạm Thị Thu Hà, phầm mềm được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian 6 tháng và đến cuối năm 2022, phần mềm đã được thử nghiệm, vận hành. Vượt qua những khó khăn về nhân lực, khi xây dựng phần mềm và phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi, Trung tâm Tin học luôn cử một đội ngũ cán bộ đồng hành với đơn vị bên ngoài hỗ trợ để thiết kế, phát triển phần mềm và bổ sung các tính năng, yêu cầu phù hợp với hoạt động của Ngành.

Điểm hữu ích nhất của phần mềm là hằng ngày KTV có thể mở ra ôn luyện kiến thức. Ngoài ra, hệ thống phần mềm hỗ trợ KTV cập nhật kiến thức còn bao trùm nhiều chức năng như: Giúp đơn vị lựa chọn đối tượng cần đánh giá năng lực chuyên môn, tạo các nội dung ngẫu nhiên để KTV kiểm tra kiến thức, tổng hợp kết quả đánh giá năng lực gửi về từng đơn vị. Phần mềm này cũng kết nối với phần mềm quản lý cán bộ của KTNN để lưu tất cả thông tin về năng lực chuyên môn của cán bộ, KTV, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự.

Theo thống kê, trong 2 tháng sau khi phần mềm chính thức hoạt động, hơn 8.000 lượt truy cập ôn tập kiến thức, trong đó có trường hợp truy cập hơn 300 lần. Có thể thấy, việc ôn tập, cập nhật kiến thức chuyên môn được đội ngũ  công chức, KTV rất quan tâm.

“Hiệu quả của hệ thống phần mềm này không chỉ dừng lại ở việc phục vụ đánh giá việc cập nhật kiến thức cho KTV mà quan trọng hơn là giúp KTV có thể ôn tập bất cứ lúc nào để nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng chính là mục tiêu của KTNN để nâng cao năng lực chuyên môn toàn diện cho đội ngũ nhân lực theo định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030” - Giám đốc Trung tâm Tin học Phạm Thị Thu Hà cho biết. 

Công khai, minh bạch, chuyên nghiệp trong việc đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Sự chuẩn bị chu đáo về ngân hàng câu hỏi và phần mềm đánh giá là điều kiện quan trọng để KTNN tổ chức Kỳ thi đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ năm 2023 trên phạm vi toàn Ngành.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung - Chủ tịch Hội đồng đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN năm 2023, KTNN đã chuẩn bị công phu, thận trọng và trách nhiệm cho việc tổ chức Kỳ thi để đảm bảo đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của KTV một cách chuyên nghiệp, khách quan, công bằng. 

Nội dung đánh giá bao gồm kiến thức chung về KTNN, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo lĩnh vực kiểm toán. Kết quả đánh giá được thể hiện ngay sau khi thí sinh kết thúc bài làm trên hệ thống máy tính.

1(1).jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì các phiên họp Hội đồng đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Ảnh: Nguyễn Ly

“Đây là lần đầu tiên KTNN tổ chức Kỳ thi để đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của KTV trên phạm vi toàn Ngành, đồng thời cũng đánh giá ý thức chuyên cần, khả năng tự học. Vì vậy, Hội đồng đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ về trang thiết bị, quy chế, tính bảo mật của đề thi và các phương án tình huống phát sinh có thể xảy ra” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chia sẻ.

1(3).jpg
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng - trực tiếp giám sát các thí sinh tham dự  Kỳ thi. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc, Hội đồng đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN có nhiều nhiệm vụ khác biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao so với các hội đồng thi thông thường khác. 

Đặc biệt, để việc đánh giá đạt hiệu quả cao, khách quan, minh bạch, Hội đồng đã thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát 3 cấp, bao gồm: Hội đồng, Ban giám sát (coi thi) trực thuộc Hội đồng và 1 Ban giám sát độc lập thay mặt Tổng Kiểm toán nhà nước giám sát tất cả hoạt động của Kỳ đánh giá.

“Có thể khẳng định, cách thức tổ chức và triển khai công việc của Hội đồng rất bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan” - ông Trần Kim Lộc đánh giá.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tuyệt mật nội dung các câu hỏi cũng như tính chuyên nghiệp cho Kỳ thi, Trung tâm Tin học - đơn vị phụ trách kỹ thuật, phần mềm - đã thiết lập hệ thống bảo mật 2 lớp.  Đồng thời, nhằm đảm bảo cho các ca thi diễn ra an toàn, Trung tâm Tin học luôn có một đội kỹ thuật trực để vận hành hệ thống và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

6.jpg
Mật khẩu của mỗi ca chỉ được thông báo khi thí sinh bắt đầu làm bài để đảm bảo
tính minh bạch, tuyệt mật nội dung câu hỏi. Ảnh: Nguyễn Ly

Đến hết ngày 14/02, KTNN tổ chức được 6 ca thi tại cụm miền Bắc - Hà Nội. Các ca thi đều diễn ra thận trọng, đảm bảo nghiêm túc và  chuyên nghiệp.

12.2.png
Các KTV đạt kết quả cao trong Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ
năm 2023. Ảnh: Cổng thông tin điện tử KTNN

Theo kế hoạch, tiếp theo các ca thi tại cụm miền Bắc - Hà Nội, 2 ca thi tại cụm miền Trung - Đà Nẵng sẽ diễn ra vào ngày 18/02 và 3 ca thi tại cụm miền Nam - TP. Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức vào ngày 20/02. 

Với sự chuẩn bị chu đáo trong khoảng 2 năm, từ việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, phần mềm đánh giá đến cơ chế kiểm tra, giám sát... Kỳ đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ năm 2023 trên phạm vi toàn Ngành được kỳ vọng sẽ thành công tốt đẹp.

Đây sẽ là bước khởi đầu tiến tới việc tổ chức định kỳ hằng năm nhằm đánh giá chất lượng nguồn nhân lực một cách thường xuyên, liên tục, bài bản, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN trong thời gian tới, hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, hướng tới xây dựng cơ quan KTNN uy tín, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng sự kỳ vọng của Quốc hội cũng như xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

553 công chức tham gia Kỳ thi đánh giá cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ năm 2023 của KTNN, trong đó có: 4 KTV cao cấp, 185 KTV chính và 367 KTV. Cụm miền Bắc - Hà Nội tổ chức 9 ca đánh giá cho 420 thí sinh, cụm miền Trung - Đà Nẵng tổ chức 2 ca cho 53 thí sinh và cụm miền Nam - TP. Hồ Chí Minh có 3 ca đánh giá cho 80 thí sinh.

Cùng chuyên mục
Đánh giá thường xuyên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán